Toàn cảnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân thành phố Việt Trì tại điểm tiêm Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Phát biểu giải trình trước Ủy ban Xã hội của Quốc hội về thẩm tra Báo cáo công tác, phòng chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đến nay, chiến lược vaccine đang diễn ra thành công.
Không tăng được mức độ bao phủ vaccine, rất khó khăn cho việc mở cửa
Theo Bộ trưởng, chiến lược vaccine đang thành công trên ba phương diện.
Một là, vấn đề tăng mua, nhập khẩu vaccine. Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có các hợp đồng, thỏa thuận, hỗ trợ trên 191 triệu liều vaccine và trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn, qua đó đảm bảo việc thực hiện lộ trình cung cấp đủ hết tất cả vaccine cho người dân từ trên 18 tuổi, cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; và nghiên cứu lộ trình để giảm độ tuổi tiêm chủng.
Phương diện thứ hai là tăng cường sản xuất, nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị trong nước. Theo Bộ trưởng, so với các nước trong ASEAN, Việt Nam đã có những sự chủ động từ rất sớm trong chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine thế hệ mới của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Cuba cũng như tự nghiên cứu sản xuất, với nỗ lực chủ động trong đại dịch, tránh bị ảnh hướng của việc đứt gãy quy mô và cả nguồn cung trang thiết bị, thuốc men, nhất là vấn đề vaccine trên toàn cầu.
Phương diện thứ ba là chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cho đến thời điểm hiện nay, công tác tiêm chủng đang diễn ra tương đối thành công. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý một số địa phương, có nơi vẫn còn tiêm chậm và Bộ Y tế đã liên tục tổ chức các hội nghị, có công điện chỉ đạo, hối thúc các địa phương tăng tốc tiêm.
“Nếu chúng ta không tăng tốc độ tiêm, tăng được mức độ bao phủ vaccine thì rất khó khăn cho việc mở cửa, thực hiện kế hoạch thích ứng, an toàn và linh hoạt với dịch COVID-19,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi phải có bước đi rất thận trọng
Liên quan đến việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, trong báo cáo với Trung ương, Bộ Y tế đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên nhưng phải phụ thuộc vào nguồn cung, chất lượng vaccine, trên nguyên tắc đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
Bộ trưởng lưu ý trong khi trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể dùng vaccine như hiện nay cho người lớn, vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi lại hoàn toàn khác. Do đó, để có thể quyết định sử dụng, tiêm chủng vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi phải có bước đi rất thận trọng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng, “việc cấp phép và đưa vào sử dụng phải được tính toán rất kỹ, bởi vì tất cả vaccine hiện nay được phát triển cho giai đoạn rất ngắn và thời gian theo dõi chưa đủ lâu để có thể đánh giá hết tác động. Cho nên tại sao Bộ Y tế rất cân nhắc, rất kỹ lưỡng trong vấn đề sử dụng vaccine.”
Về nguồn vaccine và tiêm phòng vaccine trong năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết theo kết luận của Bộ Chính trị, cho đến hiện nay Chính phủ vẫn có trách nhiệm đảm bảo vaccine cho người dân và miễn phí.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã sử dụng xe tiêm vaccine lưu động để tiêm cho các sinh viên, lưu học sinh tại Trường Cao đẳng Y tế Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường nhưng tiêm cho đối tượng nào, sau thời gian bao lâu, sẽ theo thông lệ chung của cộng đồng quốc tế, nhất là Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất là sau 6 tháng, cho một số đối tượng cụ thể và sẽ mở rộng dần.
Bên cạnh đó, mặc dù đến nay y văn cũng như thực tế các nước trên thế giới chưa có đề cập đến tiêm mũi số 4, số 5 nhưng Bộ Y tế vẫn chuẩn bị cho kịch bản với vấn đề tổ chức tiêm như vậy.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế - cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo chủ động nguồn cung vaccine. Ngay cả thuốc điều trị, Bộ Y tế đã thử nghiệm trên một quy mô tương đối lớn và cho đến nay hiệu quả rất tốt.
Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 86/NQ-CP, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp dược nhập khẩu nguyên liệu trước khi có đăng ký sản xuất để chủ động nguồn cung về thuốc trong tương lai.
Những hạn chế của tuyến y tế cơ sở trong ứng phó dịch bệnh
Cũng trong báo cáo giải trình, bên cạnh chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Về vấn đề di cư của người lao động, đứt gãy trong nguồn cung lao động, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay thay vì tình trạng di cư từ Thành phố Hồ Chí Minh về địa phương khác là một làn sóng di cư ngược lại để đáp ứng nhu cầu lao động. Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đang triển khai các biện pháp kiểm soát được tình hình.
Chính phủ liên tục có các công điện, các cuộc họp, các cuộc trao đổi với các địa phương để đảm bảo thuận lợi, an toàn cho người dân khi di chuyển, đồng thời đảm bảo vấn đề phòng, chống dịch.
Theo Bộ trưởng, thực tế thời gian vừa qua, có những điểm chưa được như mong muốn. Có địa phương, do việc di cư này gây ra sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn, nên phải áp dụng các biện pháp cao hơn quy định của Trung ương để bảo vệ người dân.
Về những hạn chế của tuyến y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thẳn thắn chỉ ra đây là điểm yếu đã được Chính phủ nêu trong Báo cáo trình Quốc hội.
Lấy ví dụ về công tác chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Bộ trưởng chia sẻ, có phường ở thành phố này quy mô, mật độ dân số có khi bằng, cao hơn một huyện của một tỉnh, trong khi đó bộ máy chính quyền địa phương lại không được như cấp huyện, cùng với đó, phường chỉ có một trạm y tế tế với nguồn nhân lực rất ít ỏi. Năng lực cán bộ của hệ thống cơ sở cho những vấn đề khẩn cấp cũng bộc lộ những hạn chế trong quá trình chỉ đạo, điều hành và quản lý.
“Mặc dù chúng ta có quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng trong bối cảnh bình thường thì đáp ứng tốt nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt đối với biến chủng Delta lần này, thực sự đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống y tế... Trong kỳ họp Quốc hội tới, chúng tôi xin Quốc hội bổ sung phần đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của hệ thống này trong vấn đề quản lý dịch bệnh, và tới đây có thể có thêm những dịch bệnh khác,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng lạm dụng xét nghiệm, thu phí xét nghiệm SARS-CoV-2 gây khó khăn, bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc xét nghiệm được tiến hành tầm soát đối với đối tượng có nguy cơ cao chứ không phải tất cả.
Về vấn đề quản lý phí xét nghiệm, ngay từ tháng 5, Bộ Y tế đã có hai công điện yêu cầu đối với tất cả các cơ sở y tế không được thu tiền chỉ định xét nghiệm với bệnh nhân, cho người nhà, nhân viên y tế. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế phải giảm giá xét nghiệm, thực hiện xét nghiệm gộp mẫu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận mặc dù quy định rất rõ ràng như vậy nhưng thực tế vẫn có cơ sở vi phạm, thu tiền gây bức xúc cho xã hội.
Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Y tế đã thẩm định xong và sẽ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức đề nghị đưa trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm chẩn đoán vào diện quản lý giá, bình ổn giá./.
Theo TTXVN