Bộ trưởng Tài nguyên: 'Không lo sự cố bùn đỏ'

Cập nhật: 22-11-2010 | 00:00:00

Dẫn chứng cho lời khẳng định của mình, ông Nguyên cho biết một đoàn khảo sát của Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hungary để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự cố bùn đỏ. "Tôi đã làm việc với nhiều thành viên trong đoàn và cảm thấy một số vấn đề khá yên tâm xin báo cáo với Quốc hội", ông Nguyên rành rọt từng tiếng.

Ông Nguyên cho hay đoàn khảo sát để kiểm tra và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự cố Hungary dưới nhiều khía cạnh như công nghệ, quá trình xây dựng, bể chứa bùn, kinh nghiệm xử lý sự cố. Kết quả cho thấy, công nghệ xây dựng hồ chứa bùn đỏ tại Hungary là của những năm 1942, thời điểm đó, công nghệ còn khá lạc hậu. Trong gần 70 năm qua, công nghệ đã thay đổi rất nhiều. Còn khi triển khai dự án bô xít, Việt Nam lựa chọn công nghệ tiên tiến vào hàng bậc nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các hồ chứa bùn đỏ của Hungary được xây dựng trên hệ thống đất yếu, thành xây bằng bê tông xỉ, không làm móng của thời những năm 1942... nên nguy cơ mất an toàn cao, trong khi Việt Nam lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến với độ thẩm thấu tốt qua 5 lớp đất... nên áp lực đối với bể chứa của Việt Nam giảm tới 4 lần so với công trình của Hungary.

"Hungary đã không lường được trước các sự cố còn chúng ta khi triển khai dự án bô xít đã tính đến các vấn đề này. Do vậy, băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về việc thế lực thù địch phá hoại, hay ngẫu nhiên vỡ đập... đều đã được tính toán kỹ và có các phương án xử lý", Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Ông Nguyên cho biết Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhiều đơn vị có liên quan đã tiến hành khảo sát các vấn đề liên quan đến động đất, môi trường, độ an toàn cho các hố bùn đỏ ở dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ... "Kết quả thu được tôi có thể khẳng định là những dự án này được triển khai an toàn và không có vấn đề gì xảy ra", ông Nguyên cho biết thêm.

Phiên chất vấn chiều nay tiếp tục dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xoay quanh vấn đề liên quan đến điện lưới, giá cả thị trường, nhập siêu... mà buổi sáng người đứng đầu Bộ Công Thương chưa có dịp giải trình kỹ. Dù rằng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở ông Hoàng phải trả lời ngắn gọn vào thẳng vấn đề song dường như vị bộ trưởng này vẫn không "khắc phục" được thái độ quá bình tĩnh vốn có. Vẫn với chất giọng đều đều, nặng về trình bày và những lời hứa hẹn, Bộ trưởng Công Thương chỉ giải trình các vấn đề một cách rất chung chung và chưa thỏa mãn được đại đa số đại biểu.

Thành thử một khoảng thời gian khá dài, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phải thay ông "nói rõ thêm" về một số phấn đề bức xúc đại biểu liên quan đến sự mất cân đối cung cầu điện, chậm tiến độ các dự án và cơ chế vận hành thị trường điện...

Tự nhận có một phần trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri về vấn đề thiếu điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng cũng phải nhìn nhận thực tế rằng có rất nguyên nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện. "Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc rằng nếu chúng ta thực hiện tốt sơ đồ quy hoạch điện VI thì đã không xảy ra tình trạng thiếu điện như hiện nay", Phó Thủ tướng nói.

Ông cho rằng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã nói phần nào về nguyên nhân thiếu điện nhưng vẫn phải bổ sung thêm cho rõ các yếu tố. Đó là việc thiếu vốn khiếu hầu hết các dự án chậm tiến độ, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu chưa tốt, đồng thời ý thức tiết kiệm của người dân chưa cao.

Từ năm 2006 đến nay, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế, ngành điện đã vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, lãi suất cao... dẫn đến việc triển khai các dự án gặp khó khăn. Suốt từ năm 2003 đến nay rất hiếm có dự án điện lớn đầu tư nước ngoài (BOT) vào Việt Nam. Nhiều dự án ký được hợp đồng nhưng không có vốn nên không thể triển khai khiến không đạt được theo quy hoạch dẫn đến thiếu điện.

Một nguyên nhân khá tế nhị được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập là giá điện của Việt Nam quá thấp so với khu vực nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Do vậy, thời gian tới, VN sẽ phải áp dụng rất nhiều biện pháp tổng thể để khắc phục các vấn đề trên như tái cơ cấu ngành điện, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tách một số khâu, dự án ra khỏi EVN. "Chúng tôi đang xây dựng đề án thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường để chuẩn bị ban hành. Chúng tôi mong cử tri và đại biểu Quốc hội ủng hộ. Chúng ta đã vận hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường bước đầu đã thành công...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lĩnh vực công nghiệp thương mại rất rộng liên quan đến nhiều vấn đề như giá cả hàng hóa, xuất nhập khẩu, điện lưới... và tác động sát sườn đến đời sống nhân dân. Do đó, năm nào, Bộ trưởng Công Thương cũng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn từ đại biểu Quốc hội và cư tri và đều là những vấn đề bức xúc. Trong buổi sáng, ông Hoàng đã nhận được 30 lượt đại biểu đăng ký chất vấn song do thời gian có hạn nên chỉ 19 ý kiến được giải đáp trực tiếp.

"Phần trả lời của Bộ trưởng tuy chưa trọn vẹn nhưng rất đáng hoan nghênh khi đã phần nào đi sâu vào các vấn đề chính mà đại biểu quốc hội chấn vấn", ông Trọng nói.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng tuy thời gian không có nhiều nhưng rất nhiều thông tin đã được trao đi đổi lại giữa các đại biểu và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Tất cả các ý kiến đều tập trung vào việc đề xuất các giải pháp trong thời gian tới nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng cần tháo gỡ. Do vậy cũng cần phải cảm ơn bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về phiên chất vấn.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên