Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình chuyện giá xăng tăng

Cập nhật: 19-03-2010 | 00:00:00

Trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát cho dù một số đại biểu cho rằng diễn biến hiện nay đáng lo ngại.

Phần đọc văn bản giải trình của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh kéo dài nửa giờ, trong đó tập trung phân tích giá điện, nước, than, xăng dầu... tăng tác động thế nào đến chỉ số giá. Câu chuyện liên quan đến khoản lỗ 31 triệu USD của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines cũng được đề cập.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định trong năm 2010 sẽ không có đợt tăng giá điện tiếp theo, ngoài lần điều chỉnh đầu tháng 3. Theo ông, mức tăng 6,8% vừa qua là hợp lý, vẫn đảm bảo ổn định sản xuất, ít tác động đến đời sống người dân và nền kinh tế. Liên quan đến mặt hàng than, ông Ninh cũng cho biết, các mức tăng chỉ áp dụng đối với than sản xuất cho điện còn than sinh hoạt vẫn giữ nguyên giá bán hiện này.

Với mặt hàng được dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là xăng, dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định các đợt điều chỉnh giá đúng quy định và hợp lý. "Mức tăng được chúng tôi tính toán rất kỹ bên cạnh việc áp dụng các biện pháp giám sát, do vậy khả năng giá cả tăng đột biến là không xảy ra. Tác động tới CPI cũng đang nằm trong tầm kiểm soát", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phần trình bày của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chưa làm hài lòng nhiều đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội - Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: "Dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề của Petrolimex. Đơn vị này chiếm tới 60% thị phần, có thể điều khiển thị trường, khi Petrolimex tăng giá thì 10 cơ sở đầu mối còn lại cũng điều chỉnh giá theo. Xin bộ trưởng cho ý kiến".

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định các lần tăng giá vừa qua vẫn được thực hiện theo đúng quy định. Giá xăng dầu thả theo cơ chế thị trường song vẫn theo sự quản lý của Nhà nước, doanh nghiệp vẫn phải báo cáo phương án điều chỉnh chứ không được tùy tiện, thích tăng giá thế nào thì tăng. Mới đây Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải giãn các đợt tăng giá và tần suất các lần tăng hay giảm kéo dài tới 20 ngày chứ không phải là 10 ngày.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc quan tâm nhiều tới hiệu quả kinh doanh của Petrolimex. Ông chất vấn: "Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện dù khoa học công nghệ đã phát triển và tiến bộ rất nhiều song Nhà nước vẫn cho phép Petrolimex được áp dụng mức thất thoát trong chi phí xăng dầu xây dựng từ năm 1996. Điều này có thỏa đáng hay không, đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích".

"Định mức thất thoát trong kinh doanh xăng dầu là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chứ không phải Bộ Công Thương", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói nhanh. Ông cũng được mời tới phiên họp sáng nay, cho dù không thuộc danh sách phải trả lời chất vấn.

Theo Bộ trưởng Hoàng, trong điều kiện khoa học ngành càng phát triển, lĩnh vực xăng dầu cũng áp dụng nhiều thiết bị, công nghệ tiên liến nên có thể khẳng định mức độ hao hụt chắc chắn sẽ giảm. "Vấn đề này chúng tôi chưa kiểm tra nên chưa thể kết luận, song tôi tin độ hao hụt và mức thất thoát của Petrolimex có giảm hơn so với trước", ông Hoàng nói.

Không khí nghị trường càng nóng hơn khi các vấn đề lương thưởng, lỗ lãi của Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines lại được đặt ra cho người đứng đầu ngành tài chính. Ông Ninh hiện kiêm giữ chức Hội đồng Quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC - đơn vị đang nắm cổ phần chi phối tại tại Jetstar Pacific.

"Tôi xin hỏi Bộ trưởng tại sao lỗ, mất khả năng thanh toán vẫn đề xuất được hỗ trợ, tái cơ cấu tiếp. Nếu vẫn rót vốn mà lỗ thì sao, mà lỗ sao lương trả cho lãnh đạo vẫn cao như vậy", Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nói.

Câu hỏi được cho là nhạy cảm của ông Tuyết cũng đã được một vài đại biểu khác xới lên. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng - Lê Quang Bình nói: "Luật Phá sản được thông qua kỳ họp thứ 10, báo chí cũng nhắc nhiều đến một số công ty đã chết mà không được chôn. Vậy, từ khi có luật, ta đã cho phá sản bao nhiêu doanh nghiệp, tại sao Pacific Airlines đã từng âm vốn, nợ nần chồng chất, gần như mát khả năng thanh toán vẫn được cứu mà không cho phá sản".

Theo giải trình của ông Ninh, Pacific Airlines được thành lập từ năm 1991 với trên 80% vốn của công ty mẹ Vietnam Airlines. Kể từ khi thành lập đến năm 2005, Pacific Airlines gần như thua lỗ, ngập trong nợ nần và lẽ ra phải phá sản. Tuy nhiên, do muốn thị trường phát triển cạnh tranh, Chính phủ quyết định phương án tái cơ cấu hãng hàng không này trên cơ sở chấp nhận bán phần vốn cho nước ngoài. Sở dĩ chưa cho phá sản, theo ông Ninh là vì xét thấy Pacific Airlines đã có thương hiệu, có thể tái cơ cấu và tồn tại, phát triển.

"Đúng là giai đoạn đầu hoạt động có khó khăn song Jetstar Pacific đã rất cố gắng và có thời điểm có lãi. Tiếc là vướng vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu, đã bị lỗ 31 triệu USD", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói và phân trần đây là điều nhiều nước trên thế giới gặp phải. Theo ông Pacific Airlines từ chỗ thua lỗ, nguy cơ phá sản, không có máy bay giờ đã có 6 chiếc. Hãng cũng chiếm được 20% thị phần với 2 triệu khách, con số này bản thân Vietnam Airlines phải mất 10 năm mới có được.

Liên quan đến chuyện lãnh đạo Jetstar Pacific hưởng lương cao trong bối cảnh hãng bị thua lỗ, ông Ninh khẳng định đã có báo cáo giải trình vụ việc lên Chính phủ và báo chí khi sự việc xảy ra. Bản thân Bộ Tài chính đã yêu cầu phía đối tác cắt giảm 50% lương, tiết giảm cán bộ, kỹ sự người nước ngoài và tổng giám đốc Jetstar Pacific cũng đã được thay mới.

"Tôi khẳng định, cho phá sản cũng được. Chúng tôi đã đặt bài toàn giờ đem bán Pacific Airlines đi cũng vẫn có người mua song xét thấy về lâu dài cần phát triển thị trường, tạo cạnh tranh và hãng vẫn có khả năng tồn tại nên đã không làm thế. Xin báo cáo các đại biểu", ông Ninh kết thúc phiên chất vấn.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên