Nhân viên y tế đưa các bệnh nhân mắc COVID-19 vào cấp cứu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngành y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác của ngành y tế diễn ra sáng 20/1.
Chiến dịch vaccine là điểm nhấn nổi bật
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch COVID-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.
Theo ông, trong năm 2021, mặc dù tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, ngành y tế vẫn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 91%, hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao và hoàn thành 15/18 chỉ tiêu cụ thể của ngành được Chính phủ giao.
Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước được củng cố; số ca mắc, tử vong của các bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020; khám, chữa bệnh từ xa được mở rộng, kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên cả nước; chất lượng dịch vụ y tế từng bước được nâng cao, mức độ hài lòng của bệnh nhân đạt trên 90%; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế từng bước đổi mới.
Mức sinh thay thế được duy trì bền vững 16 năm liên tiếp từ năm 2005, tuổi thọ trung bình là 73,7 tuổi, tỷ suất tử vong ở trẻ em giảm. Chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh; xếp thứ 5/18 Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2021, Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai với phương châm làm thế nào để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất.
Tính đến hết năm 2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều, đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. Hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của nước ta đã đạt 100%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi) đạt 93,4%, tỉ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý 1-2022. Ngành y tế cũng đang tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.
Tiến sỹ Satoko Otsu - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong suốt 2 năm qua chống lại đại dịch COVID-19. Đó là sự nhất quán trong đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo chăm sóc sức khoẻ người dân và phục hồi phát triển kinh tế, chuyển từ zero COVID-19 sang chung sống an toàn hiệu quả.
Sự thành công của Việt Nam trong chống dịch giai đoạn đầu đã chứng minh sự hiệu quả quả tiếp cận của toàn hệ thống chính trị trong đáp ứng hệ thống y tế công cộng khẩn cấp, với sự truy vết tỷ mỷ và bài bản kiểm soát dịch và điều này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
“Tôi xin chúc mừng các thành quả Việt Nam đạt được trong chiến dịch tiêm chủng. WHO thực sự ấn tượng khi Việt Nam đã tiêm được hơn 175 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 75% dân số trong thời gian ngắn như vậy,” tiến sỹ Satoko Otsu chỉ rõ.
Bà Satoko Otsu cũng chia sẻ: "Chúng ta cần xác định phải sống với COVID-19 thời gian dài. Nhiều quốc gia đã chứng kiến làn sóng mới do biến chủng Omicron gây ra. Việt Nam cũng đã báo cáo có ca Omicron cộng đồng."
Theo bà Satoko Otsu, biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn biến chủng trước, có thể không gây bệnh nặng nhưng Việt Nam cần có động thái chủ động sẵn sàng trong việc gia tăng ca bệnh sắp tới. Có hai mục tiêu mà Việt Nam cần lưu ý là bảo vệ nhóm dân số nguy cơ cao dễ bị tổn thương và bảo đảm hệ thống y tế không bị quá tải.
"Người dân đã quá mệt mỏi với các biện pháp y tế cộng đồng suốt 2 năm qua nên cần tuyên truyền để người dân không chủ quan dù đã tiêm vaccine và WHO cam kết tiếp tục cùng Việt Nam chống lại dịch COVID-19 đang tiếp diễn," vị chuyên gia WHO khẳng định.
Thực hiện tiêm vaccine xuyên Tết
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Cùng đó, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Hội nghị kết nối đến hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 xuyên Tết và không có nghỉ Tết.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.
Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên số mắc tăng rất nhanh, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron và có thể các chủng mới khác, Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Vì vậy, ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong như: nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bên cạnh đó, ngành y tế đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động của ngành và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới; trong đó tập trung xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi... và tiếp tục rà soát, cập nhật, ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư, mua sắm, đấu thầu, quản lý giá vật tư, trang thiết bị y tế và các quy định về giá dịch vụ y tế. Tiếp theo đó là đổi mới cơ chế tài chính y tế, phương thức chi trả; thực hiện tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế.
Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; xây dựng các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, không để xảy ra tình trạng nợ lương công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế; các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ…
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định những nhiệm vụ ngành y tế thực hiện trong năm 2022 rất nặng nề. Ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và sự tin tưởng, chia sẻ của toàn thể nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân…/.
Theo TTXVN