Bộ Y tế: Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp

Cập nhật: 02-08-2022 | 16:43:11

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/8.

Nguy cơ dịch bùng phát gia tăng

Phát biểu tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và các vấn đến khác như đô thị hóa, di dân… là nguyên nhân của sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới hay sự tiến hóa, biến chủng của các virus gây bệnh dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận 283 triệu ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 581 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của Omicron.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron trong cộng đồng.

Báo cáo về công tác phòng chống dịch, tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm-Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94%), gần 11.000 ca tử vong (0,1%).

Tính đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người đã khỏi bệnh (92%) và hơn 43.000 bệnh nhân tử vong (0,4%).

Với bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác.

Nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận, đánh giá cao và tri ân sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của toàn ngành y tế, từ Trung ương đến địa phương nhất là các lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu, các cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, các y bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

"Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước và mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch," Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đặc biệt, người đứng đầu ngành y tế thẳng thắn chỉ rõ tốc độ tiêm vacine COVID-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí là có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân.

Vì vậy, các địa phương và đơn vị cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vaccine chưa hiệu quả; nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Vì vậy bà Lan đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hướng dẫn các địa phương đảm bảo kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan, nhất là việc đảm bảo chế độ, chính sách, động viên khen thưởng đối với các lực lượng phòng, chống dịch…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên