Tàu vũ trụ CST-100 Starliner của Boeing được gắn vào tên lửa đẩy Atlas V tại trung tâm phóng tàu vũ trụ ở Mũi Canaveral, Florida, Mỹ.
Ngày 19/5, tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing (Mỹ) đã phóng tàu vũ trụ Starliner lên lắp ghép với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Đây là chuyến bay thử nghiệm không có phi hành đoàn trên Starliner, được thực hiện sau lần đầu tiên thất bại và nhiều lần bị trì hoãn sau đó.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo chuyến bay thử nghiệm mang tên OFT-2, khởi hành lúc 22 giờ 54 GMT ngày 19/5 (5 giờ 54 ngày 20/5 theo giờ Việt Nam) từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida. Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu vũ trụ Starliner đã được phóng vào không gian.
Theo dự kiến, tàu vũ trụ Starliner sẽ phải lắp ghép với ISS khoảng 24 giờ sau khi được phóng vào vũ trụ và chuyển hơn 200kg hàng hóa gồm thực phẩm, quần áo cho phi hành đoàn hiện nay trên ISS.
Chuyến bay thử nghiệm quan trọng này sẽ giúp lấy lại danh tiếng cho Boeing sau lần phóng thử đầu tiên năm 2019 thất bại khi Starliner không lắp ghép được với ISS do phần mềm gặp trục trặc và kế hoạch phóng sau đó bị hoãn nhiều lần.
Boeing đã lên kế hoạch phóng thử Starliner vào tháng 8/2021, song chuyến bay đã bị hủy chỉ vài giờ trước thời điểm khởi hành do trục trặc về van nhiên liệu của tàu.
Nếu OFT-2 thành công, Boeing sẽ tiến hành một vụ phóng có phi hành đoàn trên tàu, trước khi Starliner chính thức được chứng nhận được đưa người lên vũ trụ. Boeing đặt mục tiêu cho sứ mệnh này là vào cuối năm 2022.
Tàu vũ trụ Starliner được phát triển theo hợp đồng với NASA trị giá 4,5 tỷ USD, trong chương trình phối hợp với Boeing và đối thủ của tập đoàn này là SpaceX của tỉ phú Elon Musk, nhằm thực hiện cho NASA 2 chuyến du hành liên tiếp lên ISS.
SpaceX đã đưa hơn 20 người lên ISS trên tàu Crew Dragon, kể từ chuyến bay đầu tiên chở theo phi hành đoàn vào năm 2020./.
Theo TTXVN