Thuận An được biết đến là một thành phố trẻ, có tốc độ phát triển nhanh với tiềm năng lớn để trở thành một đô thị ven sông. Những năm qua, TP.Thuận An đã tạo ra nhiều “cú hích” với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Đây cũng là lý do để nhiều nhà đầu tư chọn TP.Thuận An làm điểm đến để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Kênh rạch cặp các tuyến đường lớn trên địa bàn TP.Thuận An giúp không gian nơi đây trở nên thông thoáng và hữu tình hơn. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Thành phố đa sắc màu
Chúng tôi trở lại TP.Thuận An, dạo quanh quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743B để có thể cảm nhận sự đổi thay của vùng đất này. Dọc hai bên những tuyến đường được đầu tư xây dựng rộng rãi, thông thoáng là những công trình thương mại, dân cư xen lẫn với những khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng khang trang, sầm uất. Nhìn những dòng xe, người nối đuôi nhau di chuyển tấp nập trên những cung đường quen thuộc mà không khỏi bồi hồi, nghĩ về một Thuận An giàu, đẹp đã là hiện thực.
Từ đường Mỹ Phước - Tân Vạn, chúng tôi rẽ vào đường An Phú - An Thạnh để tiến dần về phía trung tâm TP.Thuận An, nơi được nhiều người gọi ví von là “phố cổ”. Khi chúng tôi đến Khu du lịch Cầu Ngang cũng là lúc mặt trời vừa “đi ngủ”, nhường chỗ tỏa sáng cho những công trình cổng chào rực rỡ sắc màu dọc trên những tuyến đường tấp nập xe cộ, khung cảnh phố thị với những hàng quán buôn bán tấp nập lên đèn...
Sẽ là một thiếu sót nếu chỉ nhìn và nghĩ về Thuận An như một đô thị công nghiệp, bởi nơi đây ngoài sự phát triển nhanh, mạnh nhóm ngành công nghiệp thì các nhóm ngành như thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái… cũng đã và đang “đơm hoa, kết trái”. Thực tế phát triển tại các phường thuộc TP.Thuận An như Lái Thiêu, Vĩnh Phú, Bình Nhâm, An Thạnh, Bình Chuẩn, An Phú… hoạt động thương mại - dịch vụ đã trở nên sôi động cả ngày lẫn đêm. Có thể khẳng định, hàng hóa tiêu dùng, hàng quán ăn uống và các loại hình dịch vụ giải trí tại các địa phương nói trên đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân Thuận An và lữ khách gần xa.
Về Lái Thiêu, chúng tôi có dịp trở về với những giá trị truyền thống khi đi qua tuyến đường Châu Văn Tiếp, Ngô Quyền, nơi chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm và đồ dùng như gốm sứ, tranh sơn dầu, hàng sơn mài thủ công mỹ nghệ… Nhiều người dân địa phương chọn quán ngồi thưởng thức trà, cà phê bên bờ dòng kênh uốn lượn quanh co giữa phường Lái Thiêu, đoạn qua cầu Phan Đình Phùng để ngắm nhìn cảnh mua bán hẳn là một thú vui đầy ý nghĩa của những người có tình yêu mãnh liệt với các giá trị truyền thống của quê hương.
Những chiếc ghe chở hàng neo đậu trên rạch Bình Nhâm
Dáng dấp đô thị ven sông
Bóng chiều đổ xuống dòng Sài Gòn thơ mộng khiến những lữ khách như chúng tôi không khỏi mơ mộng khi dạo bước trên con đường bờ bao sông Sài Gòn ở phía tả ngạn. Dù số lượng và chất lượng phục vụ của các hàng quán, dịch vụ trên tuyến đường này còn khá khiêm tốn, nhưng với lợi thế có khung cảnh hữu tình, thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng, chúng tôi tin rằng khu vực này rồi đây sẽ trở thành một khu phức hợp thương mại - dịch vụ ven sông phát triển sầm uất.
Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020- 2025, TP.Thuận An xác định sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong đó mũi nhọn chiến lược là phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm dần công nghiệp, duy trì ổn định nông nghiệp đô thị. Theo đó, giai đoạn 2020-2025 phải tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng đạt các tiêu chí đô thị loại I song song với phát triển ngành dịch vụ, đặc biệt là các loại hình dịch vụ giải trí như du lịch sinh thái, dã ngoại ven sông…
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An, cho biết trong nhiệm kỳ tới, thành phố sẽ tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng sẵn có để phát triển dịch vụ, đưa ngành dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển bến thủy nội địa sông Sài Gòn, tạo tiền đề thu hút đầu tư và phát triển đô thị dịch vụ - thương mại ven sông. Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức triển khai 2 đề tài hỗ trợ phát triển kinh tế, gồm: “Phát triển cây ăn trái đặc sản gắn với quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Lái Thiêu” và “Trồng cây phòng, chống sạt lở bờ bao, kênh, rạch trên địa bàn Thuận An”.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo TP.Thuận An cũng cho biết, thời gian tới địa phương sẽ phát triển đô thị trên nguyên tắc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững. Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, thành phố sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở thành phố và các xã, phường theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, TP.Thuận An ưu tiên nguồn vốn đầu tư công để tập trung thực hiện cho những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn.
Những tuyến đường xương cá nối trung tâm thành phố ra khu vực ven sông được đầu tư xây dựng khang trang
ĐÌNH THẮNG