Bức thư gửi lại người đang sống

Cập nhật: 21-04-2016 | 07:54:55

Đoàn chọn nơi này nghỉ trưa, mỗi người ngồi dựa vào một gốc cây thoải mái. Chim chóc trên cành líu lo hót như chào mừng khách lạ hiếm hoi. Một thanh niên trong đoàn say sưa với cảnh trí, lững thững đi quanh như một du khách giữa rừng xanh. Bỗng anh hớt hải chạy về báo cho đoàn biết xa xa về phía trước có ba võng im lìm có người đang ngủ. Cả đoàn ngạc nhiên vì không nghĩ nơi rừng sâu xa vắng này lại có người đang trú - Ai? Người thì đoán là kẻ gian, người khác cho là thợ rừng... Trưởng đoàn Nhân lên tiếng: “Ta hãy đến tận nơi rồi sẽ biết rõ, cần gì phải đoán già, đoán non cho mệt. Nhưng cũng nên cảnh giác, sẵn sàng tư thế đón nhận bất ngờ”. Thế là cả đoàn đứng lên đi theo chàng thanh niên trinh sát. Họ chia hai cánh tiếp cận mục tiêu. Cách 100 thước, rồi 50 thước, chung quanh vẫn lặng ngắt như tờ, võng không hề động đậy. Họ tiến sát lại gần. Bỗng mọi người khựng lại, sững sờ: trên võng không phải người nằm mà là ba bộ xương còn nguyên chưa hề bị xáo trộn. Nhiều lá khô rơi rụng theo gió cuốn đi, còn vương lại trên võng lỗ chỗ như cố đan cho mỗi bộ xương một tấm đắp chưa thành. Một đám mây bay qua che ánh nắng mặt trời. Bóng mát bỗng trùm lên một khoảng rộng. Làn gió nhẹ hiu hiu lướt vờn lá cây ngọn cỏ. Vẻ huyền bí mông lung phủ lên cảnh vật lặng lẽ của rừng sâu.

Chiến sĩ Trung đoàn 1 (Đoàn Bình Giã) bắt sống xe M113 của Mỹ ở Bình Giã tháng 12-1964 (ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4)

Mấy phút bàng hoàng trôi qua. Đoàn trưởng trở về với nhiệm vụ, cắt đặt mấy người canh gác, rồi tất cả vây quanh quan sát, không rờ đụng vào hiện vật.

Võng bằng vải ni lông xanh đậm, dây buộc là những sợi dây dù chiến lợi phẩm. Ba đầu võng cột chụm chung vào một cây gõ tơ làm trụ giữa, còn ba đầu kia dang ra ba hướng tương đối đều nhau. Ba bộ xương châu đầu vào giữa, gần nhau ở đầu võng buộc vào gốc cây gõ, như để chuyện trò cho dễ. Bên phải mỗi bộ xương, để dọc theo người, là một khẩu tiểu liên AK han rỉ còn đủ băng đạn lắp vào súng. Quần áo đã mục nát từ bao giờ, một mũ tai bèo để trên đầu cũng chỉ còn hình dáng. Dưới chân một đôi dép râu cao su đựng đỡ một số lóng xương ngón chân đã rời rã. Trên đầu một chiếc võng, sát thân cây gõ, treo một cuộn tròn vo, bằng vải ni lông trong xanh. Toàn bộ hiện trường nằm trên một khu đồi thấp thoáng mát, cây cối thưa thớt, nên đất xám pha trộn sỏi còn sạch sẽ. Dưới gốc cây gõ, lăn lóc ba bình toong bằng nhôm móp méo, một đống vải đã mục, có lẽ đây là mấy cái bồng của chiến sĩ.

Tất cả chỉ có thế.

Mọi người ngồi lại trao đổi, xác định xác của ba chiến sĩ giải phóng hy sinh, nhưng từ bao giờ, chưa có thể xác định được. Mọi người đều chú ý đến một cuộn tròn ni lông treo một đầu võng. Đoàn trưởng quyết định xem xét cuộn ni lông nọ. Họ trân trọng gỡ ra khỏi võng một cách cẩn thận, đặt lên một nơi bằng phẳng và xúm quanh quan sát, tìm hiểu.

Đây là loại vải ni lông trong xanh được cuộn thật kỹ, buộc nhiều vòng bằng chỉ ruột dây dù, lâu ngày không mở được phải dùng dao cắt. Hết lớp ni lông này đến lớp khác dính vào nhau lột ra kêu xoàn xoạt. Tất cả ba tấm. Đúng là những tấm vải đi mưa phát cho chiến sĩ thời chiến tranh. Trong cùng là một tập giấy học trò, còn nguyên vẹn không hề bị rách hay ướt. Chữ viết to, nguệch ngoạc khó đọc. Có cảm giác là người viết run tay hoặc ngón tay không điều khiển được dễ dàng. Không phải chuyên môn chiết tự cũng có thể biết rõ là có ba người viết vì có ba đoạn nối tiếp với ba lối chữ khác nhau mà đoạn nào cũng lúc đầu còn dễ đọc, càng về sau càng khó. Tuy vậy vẫn đọc được đến cùng, không mất dòng nào, chữ nào. Đoàn trưởng phân công cho Văn - một thanh niên có giọng tốt, đọc cho mọi người cùng nghe.

*

* *

Nội dung toàn bộ tập viết như sau:

“Chúng tôi: 1) Lê Hoàng Vũ, quê Thái Bình

2) Nguyễn Chí, quê Quảng Ngãi

3) Trần Việt Dũng, quê thành phố Sài Gòn.

Chiến sĩ thuộc Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn BG chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chúng tôi không biết nên viết một bản báo cáo, một lá thư hay một tường trình vì lẽ rất đơn giản là chúng tôi không biết rằng ai sẽ đọc bản viết này. Nếu đơn vị của chúng tôi có cơ may tìm ra chúng tôi sau trận đánh kết thúc thì đây là bản báo cáo đầy đủ chi tiết về mọi diễn biến trong quá trình thi hành nhiệm vụ của tiểu đội chúng tôi gửi về Trung đoàn BG, về anh Năm “Sài Gòn” và các đồng chí lãnh đạo thân mến của chúng tôi...”.

- Thôi đúng rồi - đoàn trưởng Nhân cắt ngang - một đơn vị trong sư đoàn của mình! - Rồi trầm ngâm, anh thấp giọng: Trung đoàn trưởng của các đồng chí này. Lúc ấy được anh em quen gọi thân mật là “Năm Sài Gòn” tuy là người miền Bắc và đã hy sinh khi đang chỉ huy một sư đoàn những năm về trước...

Văn đọc tiếp:

“Nếu phát hiện ra chúng tôi khi nước nhà đã hoàn toàn tự do, độc lập, thống nhất, sau năm, mười năm kết thúc cuộc chiến tranh, hoặc giả muộn màng hơn nữa sau 50 hoặc 100 năm, thì đây là một bức thư của người đã ngã xuống trên một mảnh rừng của đất nước thương yêu gửi lại người đang sống.

Ôi, giờ đây thiên nhiên quanh chúng tôi tràn đầy không khí thanh bình, cây cối điểm những chồi non mơn mởn, vạn vật đang dạt dào nô nức sang xuân. Làn gió nhẹ lướt qua đang thì thầm trong muôn ngàn kẽ là như mách bảo chúng tôi rằng có lẽ phải đến một ngày hòa bình nào đó những dòng chữ này mới được về trong lòng đồng chí, đồng bào. Còn bây giờ chúng tôi cố động viên nhau ráng sống thêm một số giờ nữa cho bản viết hoàn thành, có đầy đủ ý kiến của ba chúng tôi. Phải, chúng tôi đã sống, chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ khiêm nhường nhất của chúng tôi, cũng nhờ cả tiểu đội chúng tôi hợp lực lại. Giờ đây tám đồng chí chúng tôi đã chết, họ không chết, họ chỉ ngừng hoạt động và chuyển những hoạt động lại cho chúng tôi sống và hành động đến giờ này. Rồi chưa biết đích xác lúc nào, mấy giờ nữa, ngày mai, hay thêm một đêm nữa, biết đâu chúng tôi cũng sẽ ngừng mọi cử động trong lúc vạn vật, xem kìa, đang rạo rực cảnh xuân của đất trời. Chiến tranh mà. Nó định đoạt vận mệnh con người một cách mù quáng, kinh khủng. Nhất định chúng tôi sẽ phải hoàn thành bản viết này - đó là ý chí cuối cùng - để vẹn tròn nhiệm vụ của mình, vẹn tròn cuộc đời của những chàng trai thời đại mà Tổ quốc đang cần được giải phóng, dân tộc đang cần phải đứng lên.

Chúng tôi xin viết, viết tất cả những gì đã xảy ra đối với tiểu đội chúng tôi khi thi hành nhiệm vụ, tất cả những suy nghĩ của chúng tôi trong giờ phút cuối cùng này”.

Văn ngừng đọc, cố nuốt vào bên trong vài giọi nước mắt nghẹn ngào cứ muốn trào ra, rồi lại tiếp:

“Thế là trận đánh của trung đoàn kết thúc. Một trận tiêu diệt gọn tiểu đoàn quân xâm lược, quân số chúng bằng cả trung đoàn chúng tôi. Thương vong ta không thiếu nhưng chiến lợi phẩm và tù binh thì nhiều lắm.

Đúng ba giờ sáng, chuông điện thoại riêng của trung đội reo - Chưa bao giờ trung đội lại có riêng một máy điện thoại còn gắn vào một máy tăng âm có loa nghe chung liên lạc trực tiếp với trung đoàn trưởng như vậy. Rõ ràng trung đội của chúng tôi đang giữ một trách nhiệm quan trọng, cả trung đội vây quanh đều nghe rõ rành rọt tiếng của anh Năm “Sài Gòn”:

- A lô! “Sài Gòn” đây, Trung đội “Ký Con” đó phải không?

Trung đội trưởng báo cáo, tất cả trung đội đang tập trung sẵn sàng và đều nghe rõ tiếng đồng chí.

Anh Năm “Sài Gòn” nói:

- Chào tất cả các cậu, trung đoàn chúng ta có thể thắng to nếu phần cuối cùng này của trận đánh trót lọt mà phần này là do hành động dũng cảm và mưu lược của các cậu quyết định. Hãy triển khai thực hiện ngay kế hoạch “Mưa rừng” đã định. Toàn trung đoàn tin tưởng và chờ chiến công xuất sắc của các cậu. Chúc toàn thắng!

Chúng tôi hiểu rõ nhiệm vụ nghi binh thu hút địch cho trung đoàn rút lui an toàn - Trung đội lập tức chia làm ba tiểu đội đi ba hướng. Tiểu đội 1 chúng tôi có trung đội trưởng cùng đi gồm 11 người, hành quân nhanh về hướng đông bắc. Tiểu đội trưởng tự mang đài vô tuyến điện thoại PRC 10 lấy của địch. Tới đường 16, chúng tôi triển khai làm các vệt đường hành quân giả rồi chiếm lĩnh mặt đường, mỗi người cách nhau cỡ 20 mét. Dùng quẹt lửa được trang bị, thỉnh thoảng chúng tôi đánh lửa rồi tắt, mỗi lần đánh lửa lại xê dịch chỗ khác, giống như rất nhiều người. Tiểu đội trưởng chốc chốc lại nói vào máy PRC 10: “Đây trực ban tác chiến tham mưu trung đoàn, tiểu đoàn X qua mau lên... tiểu đoàn X qua mau lên, dồn đội hình lại... rồi... tiểu đoàn pháo các anh ì ạch quá, không được cản trở đơn vị Y đi sau đội hình các anh đó, nghe rõ chưa, đơn vị Y đó...”.

Một thanh niên thắc mắc:

- Sao lại xưng và nói thế? Có nghĩa gì?(Còn tiếp)

Cố thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bức thư

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên