Bức thư hiếm gợi nhớ một huyền thoại tình báo Liên Xô

Cập nhật: 25-05-2015 | 10:34:07

Vừa qua, một người đàn ông 71 tuổi, làm việc tại một cửa hàng bán sách báo cũ ở Tokyo, đã có phát hiện thú vị khi đang dọn dẹp lại đống tài liệu cũ. Ông tìm thấy một lá thư của Bộ trưởng Ngoại giao nước Đức phát xít, viết cho nhân vật có tên Richard Sorge.

Yoshio Okudaira, nhân viên cửa hàng sách nói trên, đã vô tình tìm thấy lá thư viết từ năm 1938, với chữ ký của Ngoại trưởng Đức khi ấy là Joachim von Ribbentrop.

Những thông tin tình báo tối quan trọng

Lá thư chứa nội dung chúc mừng gửi tới Richard Sorge, người là phóng viên của một tờ báo Đức, đang làm việc ở Nhật Bản. Lá thư, dường như được đại sứ Đức ở Nhật Bản biên soạn và gửi tới Ribbentrop ký, đã chúc mừng Sorge nhân lễ mừng sinh nhật thứ 43, ca ngợi ông vì các "đóng góp xuất sắc" trong vai trò quan chức báo chí bán thời gian của Đại sứ quán Đức ở Tokyo.

Quả thực Sorge đã có "làm thêm", nhưng không phải để phục vụ phát xít Đức. Ông là một điệp viên bí mật của Liên Xô, được giao trọng trách xây dựng một mạng lưới điệp viên, gồm những người ủng hộ Liên Xô, tại Tokyo.

Điệp viên huyền thoại Richard Sorge

Mạng lưới này, do Sorge và nhà báo Nhật Bản Hotsumi Ozaki điều hành, đã gửi nhiều báo cáo chi tiết về hoạt động chuyển quân của Nhật Bản tới cho giới chức Liên Xô. Đáng chú ý là Sorge đã chuyển về Moskva 2 thông tin rất quan trọng trong năm 1941.

Thông tin đầu tiên cho biết phát xít Đức đang tập hợp rất nhiều sư đoàn ở mặt trận phía Đông, sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Liên Xô, bất chấp việc đôi bên đã ký một thỏa thuận không xâm phạm hồi năm 1939. Quyết định mở mặt trận mới chống Liên Xô cho thấy hoạt động quân sự của phát xít Đức đã thành công nhanh như thế nào.

Thứ 2 là quân đội Nhật Bản, dù liên minh với phát xít Đức, lại chỉ tập trung binh lực để chống Trung Quốc và tiến sâu hơn vào Đông Nam Á, Thái Bình Dương, thay vì quan tâm tới các mục tiêu của Hitler. Ông thậm chí còn cho nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết về việc Nhật Bản âm mưu tấn công Trân Châu Cảng của Mỹ, trước khi sự kiện này xảy ra 2 tháng.

Cuối cùng, Sorge tin chắc rằng Nhật Bản đã không còn lực lượng dư thừa để đe dọa Liên Xô. "Dưới những đánh giá cẩn thận của chúng tôi... khả năng Nhật Bản tấn công Liên Xô... đã biến mất" - Sorge báo cáo với Moskva vào tháng 9/1941.

Âm thầm giúp đảo chiều kết cục chiến tranh

Stalin ban đầu không quan tâm tới những cảnh báo của Sorge. Nhưng sau đó, các tài liệu tình báo đã khiến ông tin. Liên Xô đã kịp thời di chuyển một lượng lớn lực lượng dự trữ tới phía Tây.

"Trong vòng 2 tháng tiếp theo, 15 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn kỵ binh, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay đã di chuyển từ vùng Viễn Đông của Liên Xô tới mặt trận châu Âu" - sử gia Stuart Goldman viết - "Chính lực lượng hùng hậu này đã đảo chiều Cuộc chiến Moskva trong tuần đầu của tháng 12/1941, cùng thời điểm Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng".

Tờ Washington Post đánh giá nỗ lực của Liên Xô nhằm chống lại cỗ máy chiến tranh của phát xít Đức đã đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến thắng của quân Đồng minh, trước trùm phát xít Adolf Hitler, trong Thế chiến II.

Nhờ cung cấp các thông tin tình báo tối quan trọng, giúp dẫn tới chiến thắng, Sorge đã vĩnh viễn có chỗ đứng của một huyền thoại trong lịch sử hoạt động tình báo thế giới.

Sorge sinh ra vào năm 1895, tại nơi hiện nay là Azerbaijan. Ông có mẹ là một người Nga và cha là một kỹ sư Đức. Sorge lớn lên ở Đức và trưởng thành khi Thế chiến I đang diễn ra. Ông cũng bị thương trong cuộc chiến này.

Thời gian trị thương, ông đã có cảm tình với chủ nghĩa Marx và dành thập kỷ tiếp theo để qua lại giữa nước Đức và Liên Xô. Ông đã gia nhập lực lượng tình báo của Hồng quân Liên Xô, trước khi thâm nhập hàng ngũ của phát xít Đức ở Berlin, thậm chí đã thành một đảng viên đảng Quốc xã.

Là người thích uống rượu nhưng Sorge đã không động tới một giọt rượu khi ở trong quán bia Đức, để đảm bảo không bị lộ mình vì lỡ miệng. Thay vì để kẻ khác nghi ngờ, tính kỷ luật của Sorge đã khiến ông nhận được cảm tình từ các nguồn tin trong bộ máy phát xít.

Năm 1933, Sorge được điều tới Nhật Bản và đã nhanh chóng bắt quan hệ và lấy tin từ giới quan chức ngoại giao Đức, Nhật Bản. Nhờ đó, ông đã chuyển rất nhiều thông tin giá trị về cho Liên Xô.

Nhưng tới tháng 10/1941, phát xít Nhật đã lần ra manh mối về đường dây gián điệp của Sorge và bắt ông cùng đồng đội. Ông bị treo cổ sau đó 3 năm.

Điệp viên hoàn hảo

Cho tới khi bị bắt, Sorge vẫn duy trì tốt vỏ bọc. Những người từng gặp Sorge vẫn có cảm tình tốt đẹp khi nghĩ về ông, nói rằng ông là con người phóng khoáng, rộng rãi, đáng ngưỡng mộ.

Hede Massing, một nữ diễn viên người Áo trở thành điệp viên Liên Xô, nhưng sau đó đã bỏ trốn sang Mỹ, cho biết bà có thời gian tiếp xúc với Sorge. Theo lời bà, Sorge là người cao, to, điển trai với mái tóc nâu rất đẹp. Trán và gương mặt ông có nếp nhăn, khiến người ta đoán ông đã từng trải qua cuộc sống nhiều biến động, nhưng anh mắt của ông không bao giờ thể hiện sự ngạo mạn hay độc ác.

Washington Post nói rằng Sorge quả thực đã duy trì được rất nhiều phẩm chất của một anh hùng đích thực. Ngay cả Ian Fleming, tác giả bộ tiểu thuyết về điệp viên 007 lừng danh, cũng từng ca ngợi Sorge là "điệp viên đáng gờm nhất lịch sử".

Việc người ta phát hiện ra lá thư Ribbentrop gửi cho Sorge chỉ là một câu chuyện nhỏ. Nó cho thấy vị Ngoại trưởng phát xít Đức không hề biết Sorge là "gã nào" và chỉ đơn giản là đặt chữ ký lên một văn bản do Đại sứ Đức, người cũng là bạn thân của Sorge, soạn thảo ra.

Nhưng cũng chính lá thư cho thấy Sorge đã gây dựng bỏ bọc rất tốt, khiến các nguồn tin không mảy may nghi ngờ việc ông là một điệp viên cực kỳ lợi hại của Liên Xô.

Theo TT&VH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1051
Quay lên trên