Bức tranh quy hoạch: Hai mảng màu sáng, tối

Cập nhật: 21-08-2012 | 00:00:00

Bình Dương có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh. Theo đó, hàng loạt vùng đất đã được quy hoạch để xây dựng các dự án công nghiệp - đô thị. Đa số người dân có đất rơi vào quy hoạch đều không vui, nhưng sau khi được phân tích thiệt hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng các dự án vì sự phát triển kinh tế - xã hội, họ đều đồng thuận với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Điều đáng nói là sau khi nhận tiền đền bù, những hộ biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích đều trở nên khá giả, có cuộc sống ấm no; số khác do tiêu xài phung phí, không biết tính toán để đồng tiền sinh sôi nảy nở đã trở thành hộ nghèo, từ đó tạo ra hai mảng màu sáng, tối của bức tranh quy hoạch...

Biết làm ăn là giàu

Phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một là nơi có nhiều dự án nhất của tỉnh Bình Dương. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hoàng Minh, cho biết trước đây Phú Mỹ là xã thuần nông. Năm 2005, Bình Dương chọn Phú Mỹ để thực hiện dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Chỉ với dự án này, Phú Mỹ có đến 2.000 hộ thuộc diện giải tỏa đền bù (GTĐB). Với số lượng hộ diện GTĐB lớn như vậy nên trên địa bàn phường không tránh khỏi trường hợp ăn xài phung phí vào số tiền đền bù để rồi khánh kiệt. Tuy nhiên, đa số sau khi nhận tiền đền bù đã chuyển đổi nghề nghiệp và làm giàu với số tiền đền bù.

 Hộ ông Nguyễn Văn Bền hiện đã khá lên nhờ vừa trồng lá giang, vừa nuôi bò, vừa làm dịch vụ vận tải

Trường hợp bà Nguyễn Thị Của, người nổi tiếng với việc “phất” lên chỉ với 30 triệu đồng tiền đền bù 1 ha đất. Ngay sau khi nhận được tiền đền bù, bà Của liền lên Phú Giáo mua 3 ha cao su và nay đã thu hoạch, đem về nguồn thu ổn định. Hiện bà Của có đến mấy ngôi nhà và rất nhiều tài sản khác. Còn hộ ông Phạm Văn Lương, từ số tiền đền bù chuyển sang trồng lá giang trên phần đất vườn, giờ trở thành hộ khá nhờ lá giang. Hộ ông Nguyễn Văn Bền thì khá lên nhờ vừa trồng lá giang, vừa nuôi bò, vừa làm dịch vụ vận tải. Tận dụng đất dự án chưa xây dựng của Cụm CN Đại Đăng, hộ anh Nguyễn Văn Mạnh dùng số tiền đền bù để chăn nuôi bò và hiện đàn bò của anh có đến 70 con, tăng gần 60 con so với ban đầu...

Tương tự, ở khu vực thành phố mới Bình Dương, mọi người đều nể nang gia đình ông bà Lê Văn Nước - Nguyễn Thị Bền về tài làm ăn và nuôi dạy con cái. Con gái ông bà Nước là chị Lê Thị Hà, 44 tuổi, kể: “Cha tôi ngày xưa nhờ siêng năng mà tậu được đất, mua được xe lam, xe ngựa và xây dựng cả nhà máy xay lúa. Con cái lớn lên lập gia đình ông bà chia cho mỗi đứa từ 400 - 700m². Cả gia đình có hơn 4.000m² dính dự án quy hoạch đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Trong số 12 anh chị em chúng tôi, có tới 7 người dính quy hoạch. Các anh chị nhận tiền đền bù xong là sang bên kia đường mua đất, cất lại nhà san sát nhau. Làm nhà, ổn định cuộc sống xong, có người còn dư tiền để mua thêm đất để dành. Giờ thì mấy chị em tụi tui đều có cuộc sống ổn định, làm ăn khá giả”.

Ngoài ra, tại những vùng quy hoạch còn có một số hộ phất lên rất nhanh nhờ dịch vụ của chính dự án hoặc kinh doanh địa ốc. Do là dân bản địa, quen biết với nhiều người dân địa phương, lúc thị trường nhà đất lên cơn sốt, những người làm nghề môi giới nhà đất đã nhanh chóng phất lên nhờ biết kết nối giữa người có nhu cầu mua đất với người dân địa phương có đất để bán. Một số người chỉ là “cò” nhỏ như chị Nguyễn Quý H. ở Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một hay anh Lê Thanh H. ở Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An... hiện đều có mấy miếng đất, mấy ngôi nhà nhờ nghề môi giới nhà đất. Còn đa số hộ tính toán theo kiểu “ăn chắc mặc bền” là sử dụng tiền đền bù để xây nhà trọ cho thuê cũng nhanh chóng ổn định được cuộc sống nhờ có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.

Nghèo vì vung tay quá trán!

Bên cạnh những hộ trong vùng quy hoạch chuyển đổi nghề nghiệp thành công, còn đó một số trường hợp vẫn không khá lên được hoặc nghèo hơn cả lúc trước! Số này do nghèo lâu quá, khi cầm hàng trăm triệu tiền đền bù đất là mua sắm thả dàn, ăn chơi theo kiểu “Hai Lúa lên đời”. Nhiều hộ có tiền là lo xây nhà đẹp, sắm sửa xe cộ, phương tiện sinh hoạt mà quên luôn chuyện thời gian tới sẽ sống bằng nguồn nào! Một số thì vướng vào cờ bạc, ăn chơi! Con em một số hộ thuộc diện GTĐB có tiền là lao vào tệ nạn như đua xe, hút chích...

Trong đợt điều tra, khảo sát hộ nghèo vào năm 2007 của HĐND tỉnh, một đại biểu đã phải thốt lên: “Hộ nghèo sao có tiền xây nhà đẹp”. Lãnh đạo địa phương phải giải thích: “Các hộ này làm nhà đẹp là nhờ nhận tiền đền bù đất từ 2 năm trước. Đến thời điểm kiểm tra thì họ đã xài hết tiền, lại không có sinh kế gì nên quay lại hộ nghèo!”.

Qua tìm hiểu thực tế, ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An có hộ ông Đoàn Văn B. sau khi nhận đất tái định cư (TĐC) do làm ăn thất bại, tiếp đó ông B. bị bệnh phải bán luôn nền đất TĐC. Với số tiền ít ỏi còn lại, gia đình ông B. chỉ mua được 20m² đất, cất ngôi nhà nhỏ để ở. Năm nay đã 74 tuổi, nhưng ngày ngày ông B. vẫn phải đi tìm việc làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Địa phương phải xếp gia đình ông B. vào diện cận nghèo...

Ngoài những trường hợp nghèo vì làm ăn thất bát, tật bệnh là những trường hợp “vướng ải mỹ nhân”. Cụ thể là trường hợp ông X. 72 tuổi, ở Dĩ An. Trò chuyện với chúng tôi, ông X. không cần giấu giếm: “Tôi có bao nhiêu tiền cũng hết vì vợ bé. Nay tôi bệnh nặng, vợ lớn giận không lo, còn vợ bé chỉ đến có một lần. Cô ấy đến không phải vì tình nghĩa, mà để hỏi tiền. Khi biết tôi không còn tiền, cô ấy một đi không trở lại”. Còn ông Y. trên 70 tuổi, ở Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, nhận tiền đền bù xong là “ưu tiên” xây nhà cho vợ trẻ. Đến lúc hết tiền, bị vợ trẻ đuổi, ông đành thuê nhà trọ sống thui thủi một mình! Một trường hợp khác là cụ ông ngoài 70 tuổi, cũng ở TP.Thủ Dầu Một, sau khi cầm được 6 - 7 tỷ đồng tiền đền bù trong tay là ăn chơi vô độ. Tuổi già, sức cạn mà ngày nào cũng rượu bia, em út nên lên cơn nhồi máu cơ tim phải cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, đến nay vẫn chưa biết có qua khỏi hay không...

Để bức tranh quy hoạch sáng hơn

Thực tế đã quá nhiều những bi kịch gia đình từ việc tiêu xài tiền đền bù không đúng mục đích. Do vậy, đã đến lúc chính quyền, đoàn thể địa phương cần trở thành “cái phanh”, giúp dân trong vùng quy hoạch hãm đà tiêu xài phung phí, sử dụng tiền đền bù vào đúng mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Hoàng Minh, cho biết thêm giờ thì tình hình còn “căng” hơn. “Do các công trình mới có giá trị đền bù cao, nhiều hộ nhận tiền bạc tỷ, nên lần nào họp dân chúng tôi cũng nhắc nhắc nhở bà con nhận đền bù rồi thì cố gắng tìm hướng làm ăn, ổn định cuộc sống”.

Cùng với cái “phanh hãm” của chính quyền, vai trò “hướng nghiệp” của chủ đầu tư cũng rất quan trọng. Câu chuyện hộ nào xây nhà trọ được chủ đầu tư là Công ty Becamex tặng mười bao xi măng ngày trước, đến nay vẫn được bà con ở Phú Mỹ truyền tụng. “Nhờ những bao xi măng nghĩa tình đó mà chúng tôi có phương kế sinh nhai. Kinh doanh nhà trọ tuy không giàu, nhưng ăn hoài không hết, có thể truyền từ đời mình đến đời con cháu mai sau...”, một hộ dân có nhà trọ cho thuê ở Phú Mỹ nói.

Còn nhớ, khi thực hiện dự án các chủ đầu tư đều hứa sẽ ưu tiên thu nhận con em các hộ dân diện quy hoạch vào làm việc, cũng như đào tạo nghề cho con em họ. Tuy nhiên, trên thực tế lời hứa này không được mấy chủ đầu tư thực hiện. Do vậy, tỷ lệ lao động địa phương vào làm việc tại các KCN chỉ đạt khoảng 10%. Có thể do trình độ lao động địa phương hạn chế, không quen tác phong công nghiệp, không chịu thương chịu khó, đòi hỏi mức lương cao... nhưng cái chính vẫn là thiếu sự quan tâm từ chủ đầu tư. Để bức tranh quy hoạch sáng hơn, thiết nghĩ chủ đầu tư các dự án nên nhớ và thực hiện những gì đã hứa với dân.

Trên thực tế, cũng có hộ nghèo do bị quy hoạch nhiều lần hay chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Cụ thể là hộ anh Nguyễn Văn Tiễn ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Trước đây, gia đình anh Tiễn cho anh chị cất nhà ở tạm trên diện tích đất của gia đình thuộc khu quy hoạch KCN Tân Đông Hiệp B, do Công ty TNHH Tứ Hải (nay là Công ty TNHH Phú Mỹ) làm chủ đầu tư. Chỉ vì chưa có sổ đỏ nên hộ anh chị Tiễn không được cấp đất TĐC. Khiếu nại mãi, anh chị Tiễn được HĐND huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An) hứa sau khi điều tra lại nếu gia đình cha mẹ có hơn 7.000m² đất rơi vào quy hoạch sẽ cấp thêm 1 suất TĐC, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa được cấp. Buồn phiền, anh Tiễn mắc bệnh trầm cảm mấy năm nay không làm ăn gì được. Cuộc sống gia đình anh Tiễn vốn đã khó càng thêm khó khi ngôi nhà mới hiện nay dính luôn vào dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn!

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên