Bùng nổ sân khấu kịch TP.HCM: Nên mừng hay lo?

Cập nhật: 16-07-2010 | 00:00:00

Có trên 12 sân khấu kịch đang hoạt động tại địa bàn TP.HCM hiện nay và nhiều nghệ sĩ tự do đang manh nha lập thêm nhiều sân khấu mới, đành rằng ai cũng hiểu mỗi sân khấu sẽ có khán giả riêng, nhưng nhiều sân khấu ra đời như thế, lực lượng diễn viên thiếu hụt... liệu chất lượng vở diễn có theo kịp số lượng sân khấu hay không?

Thời hoàng kim

 Nếu nhớ lại những năm đầu thập niên 90, khán giả muốn xem kịch nói đều phải đến một địa chỉ duy nhất là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm ở 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) với đầy đủ những tên tuổi ăn khách lúc bấy giờ như: Thành Lộc, Hồng Đào, Minh Trang, Hồng Vân, Thanh Thủy, Việt Anh... Còn ai thích vui vẻ thì đã có Sân khấu hài (135 Hai Bà Trưng) với Minh Nhí, Phước Sang, Hữu Nghĩa... Đến năm 1998 khi Nhà nước cho phép xã hội hóa các loại hình giải trí thì xuất hiện thêm Sân khấu kịch Idecaf của Công ty Nghệ thuật Thái Dương và Sân khấu kịch Sài Gòn của Công ty Văn hóa Giải trí Phước Sang. Mỗi sân khấu tập trung một số diễn viên ngôi sao và định hình một phong cách khác nhau, khán giả lúc này có nhiều sự chọn lựa hơn, ai thích sự thể nghiệm thì tìm đến Nhà hát sân khấu nhỏ; còn Idecaf với phong cách kịch sâu sắc, hay hài kịch châm biếm của nước ngoài;  và những vở hài vui nhộn, dễ dãi, xem để giải trí thì đã có Kịch Sài Gòn. Các  diễn viên lúc này có nhiều việc để làm hơn và thu nhập cũng ổn định hơn trước, một số diễn viên hài cũng bỏ tấu hài để gia nhập các sân khấu này. Môi trường cạnh tranh để thu hút khán giả đã thúc đẩy các sân khấu cho ra đời những vở diễn hay, hấp dẫn, có chất lượng như: Xóm nhỏ Sài Gòn (Idecaf), Yêu thầy ( Sân khấu nhỏ), Mẹ yêu (Kịch Sài Gòn)...

Bước chuyển mình

Bước sang đầu năm 2001 sân khấu kịch có nhiều bước chuyển mình, đầu tháng 5-2001 Nhà hát Sân khấu nhỏ mở thêm chi nhánh tại Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận với tên gọi Sân khấu kịch Phú Nhuận do nghệ sĩ Hồng Vân bỏ vốn đầu tư. Đến đầu năm 2002 một đơn vị Nhà nước là Nhà hát kịch TP.HCM được Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM cấp cho rạp hát Công Nhân để xây dựng thành nhà hát. Rồi dịp Tết Nguyên đán 2003, Công ty Phước Sang lại khai trương thêm 1 điểm diễn mới là Nhà hát Nam Quang, Sân khấu Idecaf mở thêm sân khấu mới ở số 7 Trần Cao Vân Q.1. Sang tháng 4-2004, nghệ sĩ Hồng Vân mở thêm sân khấu “Kịch Bình Thạnh” ở Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh, tiếc là sân khấu này chỉ hoạt động hơn 5 tháng là đóng cửa do NSƯT Hồng Vân không đủ người quản lý. Rồi nhóm của Minh Nguyệt dự định xây dựng một điểm diễn kịch tại Nhà hát Lớn TP.HCM, nghệ sĩ Hồng Vân mở tiếp 2 điểm diễn mới ở rạp Kim Châu và Sân khấu Super Bowl. Đầu tháng 7-2005 Nhóm hài Hữu Lộc ra mắt Sân khấu kịch Nụ Cười Mới diễn thường xuyên ở rạp Măng Non. Tháng 10-2009 Công ty Sài Gòn Phẳng khai trương Sân khấu Thế Giới Trẻ tại 125 Cống Quỳnh, Tết Nguyên đán 2010 nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như lập sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM, rồi diễn viên Trung Dân lập nhóm kịch Đồng Dao, danh hài Hoài Linh lập Công ty Đại Cồ Việt cũng dự định làm sân khấu kịch mới...

Những vấn nạn

Như vậy sẽ có nhiều sân khấu kịch cùng hoạt động và sáng đèn suốt 7 ngày trong tuần. Thoạt nhìn có lẽ là tín hiệu vui cho sự đa dạng và phong phú của sân khấu kịch nói tại TP.HCM, nhưng ngẩm lại đó sẽ là sự bất ổn trong kịch mục của các nơi do phải lên chương trình cho cả tuần kéo theo việc tự phân tán mỏng lực lượng diễn viên chia đều cho các sân khấu, các diễn viên sẽ chạy sô qua lại giữa các điểm diễn, rồi bỏ vai, thay vai, không thuộc tuồng... bởi lực lượng diễn viên ngôi sao trụ cột cho các sân khấu đếm chưa đầy mười ngón tay, còn các diễn viên trẻ mới ra trường thì không thể tự đứng vững các vai chính, hay làm nhân vật trung tâm sân khấu hoặc thay thế các anh chị đi trước được.

Một mối quan tâm hàng đầu hiện nay là do lương diễn viên kịch khá cao kéo theo giá vé kịch quá cao, 90.000 - 120.000 đồng/vé, không phải khán giả lao động, công nhân viên nào cũng đủ tiền mua một đôi vé đi xem kịch và khó lòng đi xem thường xuyên được.

Giải pháp đặt ra là các sân khấu cần phải nương tựa nhau mà sống, nếu triệt tiêu nhau thì rất dễ và sẽ tự làm mất khán giả trung thành của mình. Vì vậy đã đến lúc các nhà quản lý sân khấu tại TP.HCM cũng như ban phụ trách các sân khấu kịch cần phải xem lại là có nên mở rộng thêm các điểm diễn mới hay không? Phát triển kịch mục mang tính định hướng cho khán giả? Có nên cùng nhau giảm giá vé xuống hay không?... Bởi tự làm yếu mình đi bằng những chiêu thức như đã nêu trên thì không sớm thì muộn kịch nói cũng sẽ mất dần khán giả và xuống cấp như hiện trạng của cải lương những năm trước đây.

KHANG HY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên