Nếu như trước đây, mặt trời khuất bóng cũng là lúc màn đêm bao trùm, thì giờ đây khắp các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa đều đã sáng choang ánh điện. Điện không chỉ chiếu sáng mà còn phục vụ cho bộ đội, nhân dân sinh hoạt, chạy máy móc… Có được điều này là nhờ Dự án phát triển năng lượng sạch ở Trường Sa được thực hiện bởi Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK).
Hệ thống năng lượng sạch quy mô, hiện đại không chỉ bừng sáng về đêm, mà còn sản xuất điện năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và bộ đội ở đảo.
Ảnh: K.VINH
Những “người lính” không quân hàm
Có thể nói, một trong những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Trường Sa khi lần đầu được đặt chân lên đảo chính là những cột quạt gió cao vút và các tấm pin năng lượng mặt trời hiện đại chờ nắng và gió. Dự án năng lượng sạch Trường Sa mang nhiều ý nghĩa thiết thực cho quân và dân trên đảo được thực hiện bởi nguồn vốn tài trợ từ các Công ty Petro Việt Nam Gas, CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam, Dịch vụ khai thác dầu khí Việt Nam… Đơn vị thực hiện là Solar BK.
Trước đây, với việc sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu, nguồn điện cung cấp rất hạn chế, chỉ có thể sử dụng vào lúc sinh hoạt cần thiết. Kể từ khi được đầu tư hệ thống khai thác năng lượng ở quần đảo Trường Sa, dự án nguồn năng lượng sạch từ nắng, gió ở nơi đảo xa đã được triển khai. Nhờ đó, nguồn năng lượng gió và mặt trời đã phục vụ cho thiết bị sử dụng điện tại các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Đến với Trường Sa hôm nay, chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trường Sa bây giờ không chỉ sáng choang ánh điện mà còn rộn rã, náo nhiệt với những thiết bị vô tuyến truyền hình, internet, tủ lạnh… Đối với nhân dân và bộ đội đóng giữ ở Trường Sa mà nói, các cán bộ kỹ thuật của Solar BK chẳng khác nào là những người hùng đi thắp sáng các đảo xa, bởi trong nhiều năm qua, họ miệt mài làm việc ở Trường Sa, không biết bao nhiêu mồ hôi, thậm chí là máu đã đổ xuống cho nguồn năng lượng quý giá hôm nay.
Nhân viên kỹ thuật của Solar BK được xem như những “người lính không quân hàm” khi gắn bó với dự án phát triển năng lượng sạch ở Trường Sa. Trong ảnh: Kiểm tra, sửa chữa hạ tầng kỹ thuật phong điện, quang điện ở quần đảo Trường Sa.
Ảnh: K.VINH
Do đặc thù tự nhiên của Trường Sa có gió nhiều và nguồn nước bị nhiễm mặn, các khâu kỹ thuật xây dựng, vận hành máy móc cũng khác biệt so với trong đất liền, nhất là khâu vận chuyển phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Những ngày trên đảo Song Tử Tây chúng tôi may mắn được gặp nhóm kỹ thuật xây dựng và sửa chữa của Solar BK đang làm việc tại đảo. Nhóm gồm 3 người do anh Phan Hồng Phúc chỉ huy thực hiện. Sau khi thi công thành công, đưa vào sử dụng Hệ thống ứng dụng năng lượng mặt trời tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, các anh ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ do công ty giao phó. Anh Phúc cho biết: “Tôi đã gắn bó với dự án từ năm 2008, từ trụ quạt gió đầu tiên được thi công ở đảo Trường Sa Lớn đến nay nên đã đi thi công hết các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Dù không phải là lính nhưng các nhân viên kỹ thuật của Solar BK vẫn phải ăn ở, làm việc chung với bộ đội quanh năm. Nhiều đơn vị bộ đội nói vui, chúng tôi là những “người lính” không quân hàm”.
Do điều kiện khắc nghiệt của đảo nên không chỉ lắp đặt thành công hệ thống sản xuất điện năng ở Trường Sa, Solar BK phải cử nhân viên túc trực sửa chữa, lắp đặt thay thế máy móc, thiết bị bị hư hỏng hàng tháng, hàng quý theo những chuyến tàu ra đảo. Cũng theo anh Phúc, dù khó khăn, gian khổ do điều kiện làm việc xa nhà hàng năm trời, đối chọi với cái khó khăn khắc nghiệt ở biển khơi nhưng đổi lại, làm việc ở đảo được bà con, bộ đội quý mến, xem như người một nhà cũng giúp cán bộ, công nhân viên của Solar BK ấm lòng. Thêm nữa, ai cũng xác định nhiệm vụ bảo đảm điện năng cho các đảo là công việc đặc biệt quan trọng góp phần bảo đảm an ninh, chủ quyền Tổ quốc nên càng phải cố gắng hoàn thành tốt công tác.
Thắp sáng niềm tin nơi đảo xa
Việc đưa vào sử dụng năng lượng gió và mặt trời đã giải quyết cơ bản nhu cầu sử dụng điện tại huyện đảo Trường Sa; người dân trên đảo có nguồn điện ổn định để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng nhờ có nguồn điện ổn định mà các hộ dân trên đảo đã sắm sửa, trang bị cho mình các vật dụng là hàng điện máy, điện tử trong gia đình; chất lượng cuộc sống được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giữa Trường Sa với đất liền.
Ông Trần Vạn Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết: “Được sự quan tâm của đất liền đối với đảo xa, Song Tử Tây có điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió, tạo điều kiện cho bà con nhân dân và bộ đội cải thiện cuộc sống và sinh hoạt. Việc đưa vào sử dụng hệ thống năng lượng này cũng giúp chúng tôi tiếp nhận được nhiều thông tin của Đảng và Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng như internet, tivi…”.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, chính trị viên đảo Nam Yết cho rằng: “Ánh sáng của điện không chỉ khẳng định đời sống của bộ đội Trường Sa được cải thiện, mang đất liền gần lại với Trường Sa mà còn là ánh sáng niềm tin. Có điện, chúng tôi không phải chịu cảnh tối tăm, cảnh mù tịt thông tin từ đất liền hoặc phải hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Có niềm tin ấy, chúng tôi ngày càng nêu cao hơn tinh thần yêu nước, quyết tâm hơn để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc”.
Quả vậy, hệ thống điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời ở quần đảo Trường Sa hôm nay không chỉ mang lại ý nghĩa vật chất, làm giảm bớt những khó khăn trong sinh hoạt của bộ đội và người dân mà còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Điện từ gió và ánh nắng mặt trời đã củng cố niềm tin của người lính biển, nhân dân ra ở đảo và bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ ở Trường Sa. Có thể nói, việc thực hiện thành công Dự án năng lượng sạch Trường Sa còn góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo. Và việc thực hiện thành công dự án này cũng cho thấy bản lĩnh, ý chí Việt Nam đã thật sự tỏa sáng giữa trùng dương bao la.
LÝ KHÁNH VINH