Từ cuối năm 1973, Bộ tư lệnh Pháo binh đã gấp rút chuẩn bị lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là tích cực chủ động tham mưu thành lập các trung đoàn, lữ đoàn pháo binh, kịp thời biên chế cho các quân đoàn chủ lực.
Tháng 10-1973, khi Quân đoàn 1 được thành lập, Lữ đoàn pháo binh 45 được điều về quân đoàn. Các Sư đoàn 308, 312, 320B đều được bổ sung, kiện toàn trung đoàn pháo binh xe kéo, mỗi trung đoàn được trang bị hai tiểu đoàn lựu pháo 122mm và một tiểu đoàn pháo nòng dài 85mm. Năm 1974, Lữ đoàn pháo binh 164 được biên chế cho Quân đoàn 2; các Sư đoàn 304, 324, 325 cũng được kiện toàn trung đoàn pháo; mỗi trung đoàn có 3 tiểu đoàn pháo xe kéo; trên điều Lữ đoàn pháo binh 24 về Quân đoàn 4, khôi phục 3 trung đoàn pháo binh xe kéo mang phiên hiệu 42, 28, 210 của quân đoàn...
Nhân dân thị xã Bến Tre vui mừng chào đón bộ đội giải phóng. Ảnh tư liệu.
Ở Mặt trận Tây Nguyên (B3) được tổ chức 2 Trung đoàn pháo binh 675 và 40, trang bị pháo tầm xa; các Sư đoàn 10, 320, 316 cũng được xây dựng trung đoàn pháo xe kéo. Các quân khu ở miền Nam xây dựng các trung đoàn pháo xe kéo như Quân khu Trị-Thiên có Trung đoàn 16 trang bị hỗn hợp pháo 130mm, 152mm, 100mm và 85mm. Quân khu 5 có các Trung đoàn pháo 572 và 576. Mặt trận B2 kiện toàn Đoàn pháo binh 75 cả về tổ chức và trang bị. Quân khu 9 xây dựng Trung đoàn 6 gồm pháo xe kéo và pháo mang vác. Các sư đoàn bộ binh thuộc Quân khu 5, miền Đông Nam Bộ... xây dựng các trung đoàn pháo trang bị hỗn hợp cả pháo xe kéo và pháo mang vác...Đây là bước nhảy vọt cả về số lượng và chất lượng trong tổ chức xây dựng và phát triển lực lượng pháo binh. Chỉ trong gần hai năm (1973-1974), chúng ta đã xây dựng được 6 lữ đoàn và 26 trung đoàn pháo xe kéo có thể sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu. Ở từng chiến trường, bộ đội pháo binh phối hợp với bộ đội công binh, thanh niên xung phong... khẩn trương mở rộng và xây dựng các tuyến đường mới để nối tiếp từ đường chiến lược Trường Sơn tới từng chiến trường, bảo đảm cho tất cả các loại xe kéo pháo hạng nặng có thể cơ động thuận lợi. Có đơn vị dựa vào nhiệm vụ tác chiến, đã xây dựng được một số trận địa pháo 130mm Đ-74 và lót sẵn một số đạn, chờ lệnh đưa pháo vào chiếm lĩnh để bắn tới những mục tiêu trọng yếu trong các thành phố lớn.
Sự chuẩn bị chu đáo xây dựng, bố trí lực lượng pháo binh và bảo đảm mọi mặt về đường cơ động, đo đạc phần tử, trinh sát nắm địch trên khắp chiến trường, là những nhân tố quan trọng để lực lượng pháo binh phát huy mạnh mẽ vai trò hỏa lực chủ yếu, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quy mô lớn của Quân đội ta trong các chiến dịch, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mang tính quyết định chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo Báo Quân đội nhân dân