Luôn quan tâm truyền nghề cho học tròBước qua những khó khăn, bước qua sự mặc cảm của bản thân và trên hết là bước qua số phận không may mắn của chính mình, dù đôi mắt mù lòa, nhưng anh Nguyễn Văn Bảnh quyết không chịu đầu hàng số phận. Anh đã nỗ lực, nhẫn nại trong suốt hành trình đi tìm ánh sáng tri thức cho bản thân. Sau khi tốt nghiệp khoa Sử trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, anh đã cùng một số bạn bè đứng ra thành lập cơ sở massage nhằm hỗ trợ việc làm cho những người khiếm thị (NKT). Bây giờ, anh đã là chủ của 3 cơ sở massage tại TP.HCM, Vũng Tàu và mới đây nhất là một cơ sở được mở ra tại Bình Dương.
Mở cửa tri thức
Sinh ra ở Kiên Giang nhưng những ký ức tuổi thơ về một vùng quê thanh bình đầy sông nước chỉ là trong trí tưởng tượng và qua sách báo. Bởi, anh không thể nhìn thấy mọi thứ như những người bình thường từ khi còn là một cậu bé chưa đầy 3 tuổi. Một cơn bạo bệnh đã cướp đi đôi mắt của anh. Càng lớn anh càng cảm nhận được sự khác biệt giữa mình và mọi người. Anh mặc cảm, nhưng anh cũng nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với sự khác biệt đó. Có một điều mà bất cứ ai gặp anh cũng phải nể phục. Đó là anh rất ham học và có thể học được bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Những tưởng ước mơ được tới trường sẽ mãi mãi chỉ là ước mơ cho đến một ngày tình cờ nghe đài và biết có một trường dạy học cho người mù ở TP.HCM - trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. “Cơ hội sẽ được đi học khiến tôi mừng vui khôn xiết. Chỉ mong được đến trường ngay lập tức. Mong muốn được đi học đã lấn át cả nỗi nhớ nhà và sự rụt rè, nhút nhát của một NKT trong tôi”, anh Bảnh tâm sự.
Hướng dẫn nhân viên thực hiện các thủ tục hành chínhSau khi tốt nghiệp THPT, anh học tiếp lên cao đẳng sư phạm với mong muốn sẽ trở lại trường Nguyễn Đình Chiểu để tiếp tục dạy dỗ cho các em khiếm thị. Nhưng trên hết là ước mơ vào ĐH của anh. Ngày đó chưa có một trường nào can đảm nhận thí sinh khiếm thị. Với sự quyết tâm của anh và sự hỗ trợ can thiệp hết mình của các thầy cô ở trường cấp 3 mà năm 1999, anh Bảnh và 3 học sinh khiếm thị đã trở thành những sinh viên khiếm thị đầu tiên của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Biến ước mơ thành hiện thực
Trở thành sinh viên, vừa học vừa đi làm thêm nghề massage để kiếm tiền ăn học, anh Bảnh càng trở nên gắn bó với cái nghề này hơn. Anh bồi hồi nhớ lại: “Ngày tôi còn nhỏ, khi ý thức được mình bị mù không phụ giúp được gì cho cha mẹ tôi mặc cảm lắm. Vì thế, để không mang tiếng là người vô ích, tối nào tôi cũng đấm bóp, massage cho cha mẹ tôi. Qua đôi tay bé nhỏ của mình tôi muốn làm vơi đi những gánh nặng mà cha mẹ tôi phải vất vả chịu đựng để nuôi tôi, một thằng con trai vô dụng. Sau những lần massage ấy, tôi cũng nhận thức được rằng: mù không có nghĩa là không làm gì được. Tôi có thể làm được nhiều thứ mà không cần phải có mắt. Đơn giản như nghề massage”.
Khi lên học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, cái nôi của nghề massage, anh Bảnh lại được học bài bản để có một tay nghề vững chắc hơn. Anh yêu cái nghề massage này hơn khi chính nó đã nuôi anh ăn học cao đẳng và ĐH. Từ đó, mong ước tìm ra một hướng đi, một công việc ổn định, phù hợp với người mù khiến anh nghĩ đến việc thành lập cơ sở massage. Năm 2001, khi còn đang là sinh viên ĐH, anh Bảnh đã cùng 6 NKT nữa thành lập cơ sở massage nhằm giải quyết việc làm cho NKT. Đến nay, anh Bảnh đã là ông chủ của 3 cơ sở massage mang tên Toàn Toàn Thắng tại TP.HCM, Vũng Tàu và Bình Dương, tạo công ăn việc làm cho gần 30 NKT. Anh bảo NKT nào muốn học chữ nổi và nghề massage, anh sẵn sàng dạy và hoàn toàn miễn phí.
Nỗi niềm...
Anh Bảnh nói: “Người khuyết tật ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng”. Khi mới thành lập, cơ sở của anh cũng đã gặp không ít khó khăn bởi đây là một nghề nhạy cảm. Được thành lập cách đây gần chục năm với 6 nhân viên ban đầu, Toàn Toàn Thắng cũng đang dần dần vượt qua định kiến xã hội về người khuyết tật. Anh cho biết: “Ban đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, nhất là khâu xin giấy phép. Dịch vụ mình đăng ký là massage, một nghề “nhạy cảm” hiện nay nên rất khó được duyệt. Hơn nữa người ta cũng e ngại toàn là người mù mà tính chuyện làm ăn nỗi gì nên cứ dây dưa không chịu cấp phép”. Quyết không nản lòng, anh Bảnh đã kiên nhẫn đi đi về về hàng chục lần. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và ý chí của một NKT đã làm lay động các ngành chức năng.
Cơ sở Toàn Toàn Thắng không chỉ massage mà còn truyền nghề cho nhiều NKT, giúp họ có thể tự mưu sinh mà không nhất thiết phải làm tại cơ sở. Để học nghề hoặc vào làm việc, NKT chỉ cần 2 điều kiện là tốt nghiệp tiểu học trở lên, sức khỏe tốt. Đến đây, bước đầu tiên những người học nghề sẽ được hướng dẫn “đường đi nước bước” trong nhà, phòng ngủ ở đâu, giường massage ở đâu... Sau đó là bước vào giai đoạn học việc, tất cả hoàn toàn miễn phí.
Dù thành công bước đầu, nhưng trong anh vẫn còn nhiều trăn trởNgồi với anh Bảnh trong một quán cà phê tại Bình Dương, ngoài trời mưa rả rích, anh trầm ngâm tâm sự: “Vì mới mở nên cơ sở ở Bình Dương vẫn còn ít khách lắm. Làm cái nghề này, chúng tôi gặp cũng không ít chuyện “nhạy cảm” khó nói. Nhiều người dân họ vẫn chưa hiểu hết về cái nghề mà chúng tôi đang làm, thêm vào đó họ e dè với người mù vì nghĩ “mù mà làm được cái gì?”. Tôi không ngại lắm chuyện lỗ lãi mà chỉ sợ anh em không có thu nhập để sống. Bởi tôi chỉ hỗ trợ anh em được tiền nhà, tiền ăn chứ không giúp được tiền gửi về cho gia đình hay trang trải cuộc sống của họ. Tôi cũng chỉ có một mong ước lớn nhất rằng, các cơ sở ngày càng đông khách để những NKT có thêm thu nhập và để chúng tôi cảm thấy rằng, dù khuyết tật nhưng vẫn còn có ích cho gia đình và xã hội”.
Ở Bình Dương, nếu muốn được NKT tại cơ sở massage Toàn Toàn Thắng của anh Bảnh phục vụ, quý độc giả có thể đến 125 Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TX.TDM. Giá massage toàn thân là 45.000 đồng/người/giờ. Người viết bài này chỉ mong rằng, với nghề massage, một cánh cửa khác, dù còn rất hẹp sẽ được mở ra giúp NKT thêm tự tin hơn để bước vào đời.
NGỌC THANH