(BDO) Những ngày đầu năm 2022, đối với nông dân trồng bưởi da xanh tại huyện Dầu Tiếng rất háo hức, khi tháng 4 này lô bưởi đầu tiên dự kiến xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Cánh cửa EU đã mở đối với bưởi Bình Dương, các địa phương chuyên canh trồng bưởi như Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên có nhiều cơ hội tham gia thị trường đầy tiềm năng này.
Bưởi da xanh tại ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng sẽ xuất lô hàng 50 tấn bưởi da xanh sang thị trường EU vào tháng 4-2022
Dư địa lớn
Diện tích cây ăn quả của Việt Nam khoảng 1,14 triệu ha, tổng sản lượng trái cây khoảng 12,6 triệu tấn/năm. Trái cây Việt Nam đang được xuất khẩu đến 60 quốc gia, chiếm gần 1% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới. Nhu cầu thị trường toàn cầu cho trái cây dự báo tăng 8,2% mỗi năm từ 2019 đến 2025 và đạt tới 585,25 tỷ USD vào 2025.
Có 10 loại trái cây Việt Nam gồm: xoài, nhãn, vải, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long, thạch đen, măng cụt đang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Úc, Thái Lan, Đài Loan, New Zealand với số lượng hàng triệu tấn mỗi năm.
Bình Dương có trên 6.700 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân phát triển vùng cây ăn quả. Dư địa cho xuất khẩu đi thị trường nước ngoài rất lớn, trong khi tại Bình Dương mới chỉ có chuối, mít, măng cụt…tham gia thị trường xuất khẩu.
Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, các quốc gia nhập trái cây tươi đều bắt buộc có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp thông tin mã số vùng trồng. Tuy vậy, không phải loại trái cây nào cũng được xuất khẩu, mà phải tiến hành đàm phán, mở cửa thị trường cho từng loại trái cây và từng quốc gia.
Thời gian gần đây, cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn bị tạm đóng cửa, nông sản và trái cây Việt Nam bị ùn ứ không thể thông quan do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, không lệ thuộc cố định vào một thị trường, chính là bài toán giúp người nông dân giải quyết đầu ra.
Chính vì thế, việc bưởi Bình Dương xuất sang thị trường EU là tín hiệu rất vui đối với người nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh nhà.
Tiềm năng thị trường EU cho trái cây Bình Dương
Ông Phạm Đức Kiên, Phó phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh cho hay, lô bưởi 50 tấn sẽ được xuất khẩu sang EU vào đầu tháng 4-2022. Đây là số bưởi được trồng bởi 2 hộ dân ở ấp Bàu Khai, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng với diện tích gần 13 ha. Hai hộ dân tham gia xuất khẩu bưởi phải tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ. Giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại, đặc biệt là ruồi đục quả và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước mỗi vụ thu hoạch để đáp ứng quy định của thị trường EU.
Theo ông Kiên, ngoài yêu cầu về cung cấp mã số vùng trồng, trái cây xuất khẩu cần bổ sung thêm thông tin về mã số cơ sở đóng gói. Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang chọn Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Cần Thơ) là đối tác để xuất khẩu bưởi da xanh Dầu Tiếng sang thị trường EU.
Hầu hết các loại trái cây Bình Dương đều có thể tham gia thị trường EU nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe từ thị trường tiềm năng và khó tính này. Việc bưởi Bình Dương sẽ xuất lô hàng bưởi đầu tiên sang EU sẽ mở cánh cửa cho đặc sản bưởi của tỉnh nhà, khi Bình Dương vẫn còn nhiều vùng chuyên canh bưởi như Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên… Không những thế những loại trái cây khác như mít, chuối, măng cụt… cũng có thêm cơ hội thâm nhập sâu rộng thị trường EU trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương, thời gian qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cùng với nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Đây chính là hướng đi đúng đắn của tỉnh nhà trong việc tìm đầu ra cho nông sản Bình Dương, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng giá trị cho cây ăn trái nói riêng và nông sản Bình Dương nói chung.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần đảm bảo, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho nông dân. |
Phùng Hiếu