Buổi chiều thương nhớ
Thứ tư, ngày 02/07/2014
Hậu và Ti là bạn từ thuở nhỏ, ngày
xưa ở sát vách nhà nhau ngoài chợ TX.Long Xuyên. Hậu lớn hơn Ti hai tuổi nên Ti
vẫn gọi Hậu là chị. Đến năm lớp tám, Hậu lên Sài Gòn học nhưng hai đứa vẫn còn
có dịp gặp nhau cho đến khi gia đình Hậu ra nước ngoài thì hai bóng đời thơ ấu ấy
mới thật sự tách rời ra. Hai đứa không còn chạy chơi bên nhau nữa mà chạy theo
những nghiệp dĩ của riêng mình. Ti lập gia đình và thừa hưởng phần đất ruộng của
ông Nội ở Định Mỹ, cách TX.Long Xuyên gần 30 cây số, trở thành một anh nông
dân. Hậu trôi dạt từ miền đất này qua miền đất khác, trầy trật sống như cái cây
ở xứ nóng lại đem trồng ở xứ lạnh. Ngày tháng nhàn nhạt trôi qua không để lại
trong lòng Hậu một kỷ niệm gì thật sâu đậm với ai. Ngày về thăm quê, Hậu đã
ngoài 30. Ti có một căn nhà tươm tất ngoài chợ
thị xã cho vợ con ở, còn anh giữ miếng đất trong Định Mỹ ra vô làm ruộng một
mình. Ngày xưa lúc ông nội Ti còn sống Ti vẫn hay rủ Hậu về Định Mỹ chơi. Mười
mấy năm trôi qua, bây giờ Hậu lại theo Ti đi trên con đường cũ, dòng sông cũ trở
về trại ruộng ngày xưa. Hậu nhận thấy xung quanh đã có nhiều thay đổi nhưng có
những cái vẫn nguyên vẹn, nguyên vẹn nhất là cái tình của hai đứa đối với Định
Mỹ và đối với nhau. Hậu nhìn vầng trán bị tóc che một nửa
của Ti dịu dàng hỏi: - Hồi đi lấy chồng chị có gửi thư về cho Ti, sao Ti không
trả lời? ... Bức thư của Hậu gửi báo tin đi lấy
chồng và tất cả những thư Hậu gửi về từ trước đó Ti đã xé ném xuống ao rồi bặt
tăm không một chữ chúc mừng, không một lời han hỏi. Ti nói với má: “Chị Hậu vô
tình lắm”. Má nói: “Nó với mày có tình gì mà vô?”. Tại sao không có? Cái tình
giữa Ti và Hậu nó đầy dẫy, nó bàng bạc khắp nơi, ngoài ruộng lúa, sau bờ mương,
trên đường làng, trong chuồng trâu chuồng bò, bãi chiếu phim của xã, cho tới từng
ngóc ngách ở nhà khói, nhà kho của chùa, ngang dọc khắp thời thơ ấu và một phần
thời niên thiếu của Ti mà má nói là không có à. Rốt cuộc người mình thương nhất
bao giờ cũng là người làm mình đau khổ nhất. Anh cúi mặt thở dài: - Bức thư
đó... lâu rồi Ti không nhớ nữa chị Hậu à. Thôi, mình vô nhà nấu cơm ăn đi. Lát
nữa, Ti còn phải trộn phân rồi sạ. Ti lấy ra hai cái tô rồi nhúm lửa, nấu
nước trong cái ấm không có nắp mà cũng không có quai. Anh phải lấy cái chén đá
đậy lên trên làm nắp và cầm cả cái ấm bằng hai tay để chế nước vô tô. Hậu cười:
- Sao cái ấm của Ti kỳ vầy nè? Ti cũng cười: - Không biết cái nắp đâu mất rồi.
Còn cái quai thì bị sứt, con ốc cũng mất luôn. Mỗi lần đi chợ nói để mua cái ấm
khác mà chưa mua được. Cây quạt giấy của Ti để trên giường cũng rách te tua. Hậu
hỏi: - Thủy có hay vô đây không? - Ít lắm. Thủy không thích làm ruộng, biểu Ti
bán ruộng hoài mà Ti không muốn. - Sao Ti không ở ngoài đó bán phân bón, bán
thuốc trừ sâu với má và Thủy, nhẹ nhàng hơn mà kiếm được nhiều tiền hơn? - Ti
không thích buôn bán, thích giữ miếng ruộng này. Mà chắc cũng tại Ti thương Định
Mỹ chị Hậu à. Hậu bần thần nhìn ra cánh đồng giữa
trưa ngập tràn ánh nắng, cái thứ nắng dữ dội có thể quật một người không quen
chịu đựng nằm dã dượi đến mấy ngày. Xa xa là rẫy mía nhô lên thành một cụm, bên
trái bên phải có những khoảng đất vuông vức được đắp bờ làm chỗ nuôi cá. Hậu nhớ
ngày xưa mình với Ti hay đi lượm trứng ốc màu đỏ cam dính từng chùm trong thân
lúa. Cái thứ “mắc dịch” này nở ra thì phá lúa không ai bằng. Bắt được ốc thì
đem về luộc ăn. Ti lúc nào cũng lấy tăm khươi ốc ra cho Hậu vì Ti làm rất khéo,
ốc ít khi bị đứt giữa chừng. Chờ Hậu ăn xong, Ti nói: - Bây giờ Ti phải đi sạ
phân, chị Hậu ở chơi trong nhà, đừng ra chòi làm gì, trong này mát hơn. Mình ở
chơi tới chiều rồi Ti đưa chị về nhà ngoài thị xã ăn cơm với má và Thủy. Nè, có
cái radio cho chị nghe, giờ này có chương trình cải lương, chị còn mê cải lương
không? Câu nói của Ti làm Hậu phải quay mặt
đi vì xúc động. Ti không quên gì cả. Hậu nhớ tới cuốn sổ có cái bìa màu xanh mà
Ti chép cải lương giùm Hậu, chép từ mấy cuộn băng cassette của bà ngoại đến nỗi
băng nhão nhoét, chính tả trật lên trật xuống. Bây giờ cuốn sổ đó ở đâu Hậu
cũng không biết. Ti đi rồi, Hậu ngả lưng xuống chiếc ghế dài. Đúng là Ti làm ruộng
ở đây có một mình. Căn nhà lọt thỏm giữa bốn bề đồng ruộng, im ắng đến độ Hậu
có cảm tưởng tất cả những đồ vật như đang ngủ chỉ trừ có một đốm nắng trên mái
lá dọi xuống là còn hoạt động. Theo chiều của nắng đốm sáng ấy bò từ từ, lúc Hậu
mới tới nó còn dừng lại trên cái rổ chén, bây giờ đã chuyển tới cái khạp da bò,
chỗ Ti ngâm đậu nành để làm tương. Hậu cầm lấy cái áo của Ti ướm thử vào người.
Cái áo rộng rãi, gói trong đó cái mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, không chật bó
đến hở ngực hở hông như cái áo Hậu mượn của Ti hồi năm sáu tuổi. Hậu trở lại ghế
ngồi, đắp cái áo lên ngực, khẽ nhắm mắt lại ngẫm nghĩ: “Chắc Ti đi tới chiều mới
về”. Hậu nằm ở đó rất lâu, thiu thiu ngủ
cho đến khi cái radio hết pin hồi nào Hậu cũng không hay. Cho đến một lúc Hậu
chợt nghe có tiếng bước chân quen thuộc của Ti đi về phía mình rồi bước lên nhà
trước nhà sau, cuối cùng dừng lại chỗ Hậu đang nằm. Không mở mắt ra nhưng Hậu
biết là Ti đang đứng đó, âu yếm nhìn mình. Hình ảnh Hậu nằm trên ghế bố với cái
áo của mình đắp ngang ngực khiến Ti xúc động đến lặng người. Ti có cảm tưởng
như chính mình đang ôm ấp Hậu, ôm ấp cả tuổi thơ của mình với người ấy. Hậu cứ
nhắm mắt, níu lấy từng thời khắc, làm như mở mắt ra là tất cả sẽ vuột đi mất.
Trong trí Hậu hiện lên cái cảnh ngày ra đi của chục năm trước Hậu đứng trên chiếc
ghe bầu nhìn Ti và con chó vàng mà Hậu gửi lại cho Ti nuôi chạy trên đường làng
men theo bờ sông. Tới ngã ba chiếc ghe rẽ sang hướng khác. Không còn đi được nữa,
con chó chạy ra cây cầu nhủi nhảy ùm xuống sông bơi chấp chới. Hậu la lớn: “Ti
ơi, về đi...”. Chỉ có gió sông ù ù đáp lại lời Hậu. Giữa những hồi ức ngổn
ngang như thế Hậu bỗng nghe một tiếng gọi rất khẽ, thoảng qua như hơi thở, bềnh
bồng bên tai như thầm thì: “Hậu”. Tiếng của Ti, lần đầu tiên Ti gọi Hậu mà không
phải là chị Hậu. Hậu không kiềm được, chợt nấc lên, nước mắt ràn rụa. Ti bước vội
tới rồi cả hai ôm nhau khóc, khóc tả tơi, khóc đến thỏa thuê, khóc đến quên cả
trời đất. Chưa bao giờ Hậu gần gũi Ti hơn lúc ấy. Hậu nghe thấy tất cả những
mùi tỏa ra từ thân thể Ti, mùi bùn đất, mùi phân bón, mùi của tuổi thơ và hơn nữa
là mùi đàn ông nồng nàn tha thiết mà tình thân mật khi còn bé đã làm cây cầu
cho những cảm xúc mới mẻ và đột ngột này. Nhưng giữa cái ranh giới rất chập chờn
ấy Hậu bỗng xoay người, cúi xuống và dừng lại. Hai tay Ti lơi ra. Anh nhìn Hậu
với ánh mắt hắt hiu và khốn khổ rồi quay đi đốt một điếu thuốc đưa lên miệng. Không ai nói với ai một câu nào. Ti
bước ra đóng các cửa sổ và đem củi phơi chất vào nhà bếp trong khi Hậu treo cái
áo của Ti về vị trí cũ, xách giỏ bông so đũa mà Thủy dặn hái đem về nấu canh
chua rồi cả hai cùng quệt nước mắt ra bến đò xuôi về thị xã. Khi Ti về tới nhà ngoài thì mọi người
đã ngủ. Trong bếp còn cái mẻ un muỗi đốt bằng vỏ quýt, vỏ bưởi âm ỉ cháy. Ti
nghe tiếng Thủy trong mùng hỏi vọng ra: - Anh mới về à? Còn chị Hậu đâu? - Chỉ
về Sài Gòn rồi. - Sao chỉ nói ở chơi vài ngày rồi mới đi? - Chỉ đổi ý muốn về sớm.
Bạn chỉ trên Sài Gòn điện thoại xuống rủ chỉ đi Phan Thiết. Ti thay quần áo rồi đi nằm. Trong
bóng tối mù mịt Ti vẫn cố nhướng mắt nhìn món quà mà Hậu ghé chợ Định Mỹ mua
cho mình trên đường ra bến xe. Ấy là cái ấm bằng nhôm, có nắp, có quai, còn bọc
trong bao nylon để trên bàn mà mai mốt khi trở về trại ruộng Ti sẽ dùng thay
cho cái ấm cũ. Ti tưởng tượng đến mai, khi trở lại Định Mỹ, không còn Hậu, anh
sẽ chỉ một mình như hàng bao nhiêu năm lủi thủi ra cái chòi lá, bờ mương, chái
bếp, nhìn cột khói tỏa ra từ cái ấm nhôm này mà nhớ tới người ta. Ngày mai,
ngày kia và mãi mãi Định Mỹ không còn Hậu nữa nhưng điều đó nào có hề gì. Ti đã
có, có tất cả rồi còn gì. Một người yêu mà anh không bao giờ quên, một mảnh đất
nhà như thế thì còn đòi hỏi gì hơn. Ti mỉm cười trong bóng tối một mình vì anh
biết chắc chắn rằng ở xa xôi Hậu cũng cùng ý nghĩ với mình như thế. PHƯƠNG NGHI