Buồn vui nghề... kéo gậy sân golf!

Cập nhật: 10-04-2010 | 00:00:00

 Người ta nói, chơi golf là môn thể thao dành cho giới thượng lưu bởi giá cả ở các sân golf đều tính bằng đô. Bởi thế, chỉ những quý bà, quý ông mới có điều kiện đến đây đánh golf. Và để làm vừa lòng các khách VIP này, hàng ngày, có rất nhiều caddy đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi theo bước chân của người chơi golf...

Một nghề vất vả!

Mới hơn 9 giờ sáng, cái nắng chang chang đầu tháng 4 giữa sân golf Sông Bé như rát bỏng cả da. Tại điểm tập kết, các chị em trong tổ caddy ngồi chờ đến lượt mình để được phân công nhiệm vụ. Trông ai cũng còn khá trẻ và đều rất vui vẻ khi chúng tôi đến bắt chuyện. Dù đang ngồi chuyện trò với nhau, nhưng ai cũng trang phục chỉnh tề. Quần áo dài tay dày cộm, họ mặc đến... 3 lớp áo, đeo găng tay phủ kín để đối phó với thời tiết nắng nóng trên sân cỏ. Là phụ nữ, nên mấy chị em đều tranh thủ bôi thêm kem chống nắng trước giờ vào ca. Một nhóm khách nước ngoài tiến đến, các caddy lần lượt nhận nhiệm vụ từ tổ trưởng và kéo chiếc xe đẩy gậy ra sân theo chân vị “thân chủ” mà mình được phân công phục vụ. Lúc này, chiếc mũ may liền với khăn bịt mặt cũng được họ kéo trùm lên đầu, mặt. Ai nấy chỉ để lộ đôi mắt để... nhìn đường đi. Một ca làm việc bắt đầu!

Tại sân golf Sông Bé có tất cả 27 lỗ. Tùy vị khách hôm đó đăng ký chơi 9, 18 hay 27 lỗ, mà độ dài đường đi của các caddy cũng được tính... dài theo! Trung bình mỗi ngày, các caddy đi bộ không dưới 20km. Vừa đi vừa kéo theo chiếc xe đẩy gậy nặng trịch. Trên đó chất nào là gậy đánh golf, nước uống, ô che, khăn mặt, khăn lau gậy golf và cát để lấp những vết lõm trên các thảm cỏ sau mỗi cú đánh. Nhìn bước chân thoăn thoắt kéo xe lên dốc, xuống đồi và gương mặt lúc nào cũng biết cười của họ khó mà hình dung cái nghề này vất vả thế nào. Khách chơi golf thường chơi theo nhóm 2 - 3 người, nên mỗi nhóm phục vụ cũng có từ 2 - 3 caddy. Nhưng trong quá trình đẩy xe gậy phục vụ khách, các caddy không được trao đổi qua lại. Một chị có thâm niên làm caddy lâu năm tại sân golf Sông Bé mách nhỏ rằng, khi chơi đánh golf khách rất cần sự tĩnh lặng. Vì mình nói chuyện làm họ mất tập trung, đường banh đi đúng thì không nói gì, còn nếu đi chệch hướng thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Nói chung là khách rất kỵ tiếng ồn. Thế nên, các caddy chỉ lặng lẽ kéo xe gậy đi theo khách, đổi gậy cho khách khi có yêu cầu, cầm ô che cho các tay golf khi nắng mưa, quan sát và chạy đi nhặt những quả banh đánh chệch hướng. Caddy chỉ lên tiếng khi khách có điều gì muốn trao đổi... Họ bước đi bên thân chủ của mình với bao tâm trạng lẫn lộn. Thanh Thảo, sinh năm 1983, một caddy tại sân golf Sông Bé cho biết đã làm công việc này được 3 năm. Thảo chia sẻ: “Lúc mới vào nghề chưa quen với môi trường nên hơi mệt. Đặc biệt là những ngày nắng nóng, kéo xong một chuyến xe phục vụ khách là... thở không ra hơi! Nhưng làm riết rồi cũng quen. Đi bộ nhiều còn thấy người có sức khỏe hơn. Làm nghề này ngoài sức khỏe còn phải có tính nhẫn nại. “Khách hàng là thượng đế”, nên dù có mệt thở không nổi hay có chuyện buồn gì đi nữa cũng phải tươi cười rạng rỡ với... thượng đế! Không những thế, còn phải học cách đoán tâm lý của khách nữa. Những hôm gặp vị khách vui tính, có thể bắt chuyện với họ. Còn nếu gặp vị khách không thoải mái rất dễ nổi nóng”. Theo giải thích của các caddy, dân chơi golf kỵ nhất là đánh trúng... hố cát! Đó là một trong những chướng ngại vật... khó chịu nhất nên họ thường rất bực bội. Những lúc như thế, caddy phải nhanh chóng hướng dẫn, trò chuyện giúp khách bình tĩnh trở lại vì “chơi golf là phải thực sự thoải mái, càng bực tức thì đánh... càng thua!”.

Và những quả ngọt từ... nghề khó

Hôm đến sân golf Sông Bé, chúng tôi may mắn gặp cả Nguyễn Thị Hằng và Nguyễn Thị Ngọc Dung. Đó là 2 trong số 3 vận động viên của đội tuyển quốc gia nữ. Bằng niềm đam mê của mình nên từ một caddy họ đã trở thành vận động viên đội tuyển golf và được tham gia nhiều giải đấu quan trọng.

Hằng cho biết, cô sinh năm 1976, cùng tuổi với Dung. Nhà Hằng ở phường Phú Mỹ (tx.tdm) và ngày ngày miệt mài đi làm ở sân golf này được 14 năm rồi. Thời gian đầu, cô chỉ đơn thuần làm công việc của một người... kéo gậy! Nhưng sau đó thấy hay hay nên ngày thứ 2 hàng tuần, sân golf đóng cửa không phục vụ khách, cô tự... làm khách để luyện tập môn này. Không ngờ càng đánh càng thích và gắn bó với golf hồi nào không hay. Gắn bó đến nỗi, Hằng nói say sưa về nghề này khi lái xe đưa chúng tôi dạo quanh sân golf. Gắn bó đến nỗi, cô thân thuộc luôn với hầu hết các thành viên đến chơi golf ở đây. Hiện đã lên làm quản lý nhưng Hằng vẫn rất hăng say với nghề caddy. Không sợ nắng gió vì Hằng nói “da mình rám nắng hết cỡ rồi”. Cô vẫn ngày ngày lặng lẽ với công việc của mình, hướng dẫn tận tình cho đàn em và rảnh thì đánh golf. Khi nào đội tuyển tập trung thì đành... nghỉ phép!

Dung cũng như Hằng khi cô ban đầu đến với việc phục vụ khách chơi golf chỉ là một nghề kiếm sống nhưng sau đó thì “như một cái nghiệp, một duyên may”. Cũng từ nghề này, Dung được một doanh nhân người Hà Lan đem lòng yêu thương và họ nên duyên chồng vợ. Gia đình nhỏ của Dung hiện sống ở Thuận An. Thế là bây giờ, Dung có khi là một caddy, có khi lại là một... quý bà đi đánh golf cùng chồng! Hiện Dung đã có 3 con nhưng có lẽ do đi bộ nhiều, chơi golf giỏi nên Dung vẫn giữ dáng rất gọn gàng. Cô vẫn không bỏ việc dù chồng có thể lo đầy đủ cho mấy mẹ con. Với cô, công việc này đã là niềm đam mê ngấm vào máu thịt. Cả Dung và Hằng rất thích tham gia những giải đấu của các doanh nghiệp tổ chức để gây quỹ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Khá nhiều mối duyên từ khách đến chơi golf và những caddy. Điều đáng quý là họ biết tôn trọng nhau thực sự. Nói về điều này, Phan Thị Thanh Tuyền, một cô bé xinh xắn người Phú Yên mới xin vào làm cho biết: “Em sinh năm 1988. Tốt nghiệp cấp III vào đây xin việc làm. Em không đặt nặng chuyện... lọt vào mắt xanh của một  chủ doanh nghiệp nào đó vì tình cảm phải thực sự là rung động từ con tim. Chỉ biết rằng, hiện em rất yêu công việc ở đây vì em thấy mình khỏe, dạn dĩ hơn và cũng có tiền lo cho bản thân, giúp gia đình”.

Vất vả là thế nhưng họ cho biết, thu nhập so với làm công nhân cũng khá ổn định. Bình quân, lương của mỗi người là 1,4 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể, mỗi lần kéo xe đẩy gậy phục vụ khách, họ còn nhận được tiền bồi dưỡng từ khách. Các chế độ thai sản, ốm đau ở đây cũng được quan tâm, chăm lo tốt nên họ rất yên tâm với công việc này.

Chia tay với những chị em làm nghề caddy, chúng tôi thầm nể phục sức dẻo dai, sự chịu đựng của họ. Ngày lại ngày, những đôi chân kia vẫn bền bĩ rảo khắp mặt sân cỏ mịn như nhung để mưu sinh...

QUỲNH  NHƯ – HỒNG THUẬN

Caddy là từ dùng để chỉ những người kéo gậy phục vụ khách chơi golf. Nhiều người nghĩ, chỉ kéo gậy phục vụ khách chơi golf có gì mà khó nhọc nhưng quả thật không phải dễ. Yêu cầu bắt buộc là phải có sức khỏe dẻo dai. Để làm được công việc này các caddy phải trải qua một khóa huấn luyện trước khi ra sân cỏ phục vụ. Ngoài học về luật chơi golf, caddy còn phải tìm hiểu về đường banh đi, các địa thế để biết cách tư vấn cho “thân chủ” nếu họ muốn tham khảo ý kiến. Rồi tập luyện thể lực và học cách thích ứng với môi trường. Đa số khách chơi golf là người nước ngoài nên caddy còn được trang bị vốn ngoại ngữ giao tiếp, chuyên ngành để phục vụ khách chơi golf tốt hơn. Chị Đoàn Ngọc Liên, người trực tiếp phụ trách, điều hành caddy tại sân golf Sông Bé cho biết, thông thường phải mất 3 - 6 tháng tập luyện, caddy mới chính thức bắt tay vào công việc. Hiện nay, tại sân golf Sông Bé có khoảng 300 caddy, hầu hết đều là nữ giới.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên