Các nền kinh tế mới nổi bàn chuyện cứu EU

Cập nhật: 15-09-2011 | 00:00:00

Hãng tin AFP ngày 14-9 gây ngạc nhiên dư luận thế giới khi đưa tin các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, hay còn gọi là nhóm BRICS, chuẩn bị có cuộc họp bàn về khả năng cứu trợ Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc khối này đang vật lộn với nợ nần. Nhiều năm trước người ta chỉ nghe EU cứu trợ hay viện trợ các nước đang phát triển. Thế mà giờ đây, đều ngược lại đang xảy ra.

Gió đổi chiều

Bộ trưởng Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, cho biết tuần tới ông và những người đồng cấp trong BRICS sẽ gặp nhau ở thủ đô Washington, Mỹ, tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời sẽ bàn giải pháp cứu trợ châu Âu.

  Với tiềm lực kinh tế mạnh, BRICS đang mong muốn giúp EU vượt qua khủng hoảng

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou sẽ hội đàm qua điện thoại để bàn gói cứu trợ cho Hy Lạp cũng như tình hình cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu trước thềm cuộc họp các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo các ngân hàng trung ương châu Âu vào ngày 16 và 17-9 tới.

Trong những năm gần đây, các nền kinh tế mới nổi có tốc độ phát triển nhanh hơn các nước công nghiệp lớn. Valor, tờ báo tài chính của Brazil nhận định gió đã đổi chiều khi BRICS đưa ra kế hoạch giúp ổn định nền kinh tế, thị trường toàn cầu chứ không phải các nền công nghiệp lớn.

Tờ Valor cho biết BRICS sẽ giúp EU bằng cách mua nhiều tài sản của các quốc gia đang gặp khó khăn tại EU để tăng dự trữ EUR. BRICS và EU đang ở trong hoàn cảnh trái ngược nhau khi EU đang khát tiền mặt thì một số các quốc gia trong BRICS đang sở hữu nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ.

Cũng theo Valor, BRICS sẽ đẩy mạnh nắm giữ tài sản của các nước thuộc EU có nền kinh tế ổn định nhất như Đức và đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Anh.

Nhà kinh tế trưởng của Công ty Phân tích rủi ro kinh tế Austin Rating (Brazil), ông Alex Agostini, cho rằng BRICS có thể giúp EU giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công bằng cách đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tài chính của khối.

Con bài đầu tư của Trung Quốc

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 13-9 tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào khu vực đồng tiền chung EUR nhằm trấn an khối này về việc EU lo ngại các nước sẽ chuyển đầu tư từ khu vực nợ nần sang các nước châu Á đang có tốc độ phát triển nhanh mà chi phí đầu tư lại thấp hơn.

Trong chuyến công du châu Âu tháng 10-2010, ông Ôn Gia Bảo đã cam kết mua trái phiếu chính phủ các nước đứng trên bờ vực phá sản như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… cũng như đầu tư hàng loạt dự án về hàng hải, du lịch…

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc có đầy đủ các yếu tố để có thể được công nhận là nền kinh tế thị trường vào năm 2016.

Ông Ôn Gia Bảo cho rằng EU và Mỹ cần phải công nhận điều này bởi đây là một trở ngại ngăn cản Trung Quốc mở rộng đầu tư hơn nữa vào châu Âu. Vào thời điểm đó, rất nhiều ý kiến kêu gọi chính phủ các nước châu Âu nên cảnh giác trong việc nhận sự “giúp đỡ” của Trung Quốc vì lo ngại sẽ bị nước này thao túng.

Những ý kiến trên cho rằng Trung Quốc có thể dùng con bài đầu tư để ép các nước châu Âu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường; dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đối với Trung Quốc từ năm 1989 đến nay; chiếm lĩnh các ngành mũi nhọn của châu Âu như du lịch, công nghệ…

Tuy nhiên, là một bạn hàng lớn của EU với lượng hàng hóa xuất khẩu vào lục địa già chiếm 19% cùng với hơn 3.200 tỷ ngoại tệ dự trữ, EU khó có thể từ chối những lời đề nghị từ Trung Quốc trong bối cảnh báo động về nợ công tại EU như hiện nay.

Giúp người để giúp mình

Giới quan sát cho rằng, giúp đỡ châu Âu cũng là việc các nước thành viên của BRICS nên làm, trước hết là để giúp chính mình. Với Brazil, EU là đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia Nam Mỹ này, chiếm 22,5% tổng giá trị thương mại của Brazil năm 2009. Brazil cũng là nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu vào EU, chiếm 12,4% tổng lượng nông sản nhập khẩu vào EU trong năm 2009.

Trong khi đó, Ấn Độ là một đối tác chiến lược của EU. Thương mại song phương giữa EU-Ấn Độ tăng theo từng năm, với mức tăng ấn tượng nhất được ghi nhận vào năm 2007 khi giá trị thương mại 2 chiều đạt 55 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2003 (28,6 tỷ USD). Năm 2009, thương mại 2 chiều đạt hơn 52 tỷ USD…

Theo cách nói của ông Agostini trong buổi trả lời phỏng vấn của AFP, giữa thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, chỉ một nền kinh tế gặp khó khăn cũng có thể gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khác. Vì vậy, giúp người cũng chính là giúp mình.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên