Đến thăm mẹ Nguyễn Thị Anh (SN 1916, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng) tại ngôi nhà nhỏ nằm giữa bạt ngàn cao su, chúng tôi được mẹ kể cho nghe câu chuyện về những năm tháng đất nước còn trong bom đạn, về cuộc đời mẹ. Những câu chuyện vui, buồn đan xen khiến chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Tuổi cao, trí nhớ có phần giảm sút nhưng ký ức về chồng, con, đồng đội dường như không thể phai nhòa trong ký ức của mẹ.
Năm nay mẹ Anh đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn muốn tự làm mọi việc cho bản thân. Trong ảnh: Mẹ đang hái trầu Ảnh: Đ.TUÂN
Ý thức vai trò thanh niên là lực lượng nồng cốt trong kháng chiến chống giặc, giành lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc, nên thời trẻ, mẹ Anh tích cực tham gia du kích xã An Lập. Lập gia đình, mẹ về Long Nguyên sinh sống. Lúc này, chồng mẹ cũng tham gia cách mạng và là cán bộ binh vận xã Long Nguyên. Ông thường xuyên vắng nhà. Mọi công việc gia đình mẹ đều phải lo toan gánh vác. Về sau, mẹ còn tình nguyện “dắt tay” con gái tiếp bước con đường cách mạng ba mẹ đang đi. Lúc này, trong suy nghĩ của mẹ “nước mất thì nhà tan”, nên một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ.
Năm 1967, mẹ đau đớn nhận được giấy báo tử của người con gái út - liệt sĩ (LS) Đoàn Thị Cúc (SN 1938). Kể về LS Cúc, mẹ như nghẹn lại: “Cúc là niềm tự hào của mẹ, nó hiền lành, giỏi giang”. Tiếp lời mẹ, bà Huỳnh Thị Hường (SN 1944) là hàng xóm, cùng chiến đấu với LS Đoàn Thị Cúc, kể: “Út Cúc giỏi lắm, ngoài việc giúp bộ đội, người dân chữa trị vết thương, còn đỡ sinh nở cho nhiều chị em trong xã. Cả tiểu đội Cúc hy sinh cùng một ngày năm 1967, tại xã Thanh Tuyền”.
Nỗi đau mất con chưa nguôi, năm 1968, mẹ đón nhận tin chồng hy sinh- LS Đoàn Như Thủy (SN 1916). Nỗi đau đó càng tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho mẹ cố gắng làm việc để bước tiếp chặng đường mà chồng con mẹ đi dang dở. Những năm tháng sau ngày chồng, con hy sinh, các anh chị em trong đội du kích thường thay nhau đến thăm hỏi sức khỏe mẹ. Mẹ càng ngày càng ít nói, tập trung nhiều vào công việc. Mẹ tham gia Đoàn 8-3 làm hậu cần. Sau khi hòa bình lập lại mẹ chuyển sang làm Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Long Nguyên. Mẹ còn được bà con xung quanh gọi với biệt danh “bà Tám Mụ”. Nhiều người trong xã nói: “Mẹ mát tay không khác gì cô Cúc lúc còn sống”. Ngoài thời gian dành cho việc công, mẹ Anh còn khai hoang được hơn 3 ha đất trồng lúa, mì để chăm lo đời sống kinh tế gia đình.
Cống hiến của mẹ đã được ghi nhận bằng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất năm 1986. Tháng 7-2014, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ tâm sự: Mẹ vui mừng vì cuộc kháng chiến đã thắng lợi, đất nước thống nhất, độc lập, yên bình. Mẹ cũng tự hào vì có những người thân hy sinh vì hòa bình độc lập như hôm nay”.
Hiện mẹ Anh đang sống cùng người cháu họ (cháu của người em gái của mẹ) tên Nguyễn Thị Ngọc Cẩm. Người con gái đầu của mẹ - Đoàn Thị Yến hiện đang sống cùng gia đình tại TP.HCM. Con gái mẹ nhiều lần muốn đưa mẹ về TP.HCM để tiện chăm sóc nhưng mẹ không muốn rời mảnh đất Long Nguyên. Nơi đây in đầy dấu ấn của những ngày vui, buồn của cuộc đời mà mẹ không muốn quên. Một phần, mẹ muốn tự tay lo nhang khói, chăm sóc phần mộ của chồng, con đang được chôn cất trên mảnh đất gia đình.
ĐỖ TUÂN