Ca ghép khí quản đầu tiên thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Cập nhật: 08-08-2024 | 10:43:27

Nam thanh niên 25 tuổi có "cuộc đời mới" sau khi được ghép khí quản thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây là ca hiếm gặp trên thế giới, và lần đầu tiên ghép thành công tại Việt Nam.

Bệnh nhân đã hồi phục các hoạt động sau ghép khí quản thành công. 

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện thành công ca ghép khí quản bằng đoạn khí quản của người cho chết não, kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp cho nam thanh niên L.V.N (25 tuổi, ở Thanh Hóa) bị tổn thương phức tạp, hẹp dài khí quản sát thanh môn, rò và hẹp thực quản sau chấn thương tai nạn giao thông.

Đây là một trong những ca ghép khí quản kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản cổ hiếm gặp trong ngành y thế giới và lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam đến nay. 

Trước đó, tháng 7/2022, bệnh nhân bị L.V.N (25 tuổi, Thanh Hóa) bị tai nạn giao thông được chấn đoán đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, chấn thương ngực kín, chấn thương gan, được phẫu thuật kết hợp xương hàm mặt, vùng cổ và điều trị bảo tồn các cơ quan tổn thương khác.

Sau mổ, người bệnh được theo dõi và điều trị hồi sức tích cực (có mở khí quản tạo một lỗ ở cổ để thở do không thể thở qua đường mũi như thông thường), khi ổn định, bệnh nhân được chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp. Một tháng sau khi mở khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn và đặt stent khí quản thất bại. Sau đó, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt nối khí quản tại một cơ sở y tế tại Hà Nội, nhưng không thành công do tổn thương phức tạp và hẹp trên một đoạn khí quản dài (sau khoảng 2 tháng xuất hiện khó thở và phải mở lại khí quản vĩnh viễn).

Trong thời gian điều trị hẹp khí quản cổ vừa qua, khi chưa phải mở khí quản vĩnh viễn, bệnh nhân ăn uống hoàn toàn bình thường qua đường miệng và đi tiêm thuốc chống tạo sẹo vào vị trí khí quản bị hẹp. Bệnh nhân được tiêm 6 mũi, mỗi mũi cách nhau từ 1 - 2 tháng.

Đến tháng 5/2023, sau mũi tiêm thứ 6 người bệnh xuất hiện chảy dịch sữa qua chỗ mở khí quản, được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chẩn đoán rò khí thực quản tại vị trí tiêm chống tạo sẹo của khí quản và tiến hành mở thông dạ dày nuôi ăn. Bệnh nhân vẫn được thăm khám định kỳ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong gần 2 năm vừa qua, bệnh nhân không ăn được bằng đường miệng (phải ăn bơm qua mở thông dạ dày), không thở qua đường mũi, thở qua đường mở khí quản ở cổ (thường xuyên loét chảy máu và nhiễm trùng tại vị trí mở khí quản), khiến gia đình bi quan về tương lai của bệnh nhân...

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua kết quả kiểm tra nội soi thực quản bệnh nhân, trước những thương tổn phức tạp của người bệnh, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa: Tai mũi họng, tiêu hoá, phẫu thuật lồng ngực, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, ngân hàng mô, dinh dưỡng…. thống nhất tiến hành phẫu thuật hai thì: Thì một phẫu thuật tạo hình cắt – nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng; thì hai là phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ekip các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày 11/4/2024, người bệnh được tiến hành phẫu thuật tạo hình cắt - nối thực quản cổ, cắt đoạn sẹo xơ khí quản và chuẩn bị hai đầu khí quản sẵn sàng cho lần phẫu thuật thì 2.

Ngày 13/5/2024, người bệnh được phẫu thuật thì hai để ghép khí quản cổ bằng khí quản khí quản của người cho chết não kết hợp với đặt stent khí quản, chuyển vị cơ ức đòn chũm hai bên che phủ đoạn khí quản ghép.

Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh được ra viện và trở về nhà vào ngày 25/6/2024. Bệnh nhân đã được khám lại sau 1 tháng với thể trạng tốt. Đến nay đã tăng được 5 kg, sẹo mổ liền tốt, bệnh nhân ăn uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi trở lại.

Kết quả soi thực quản và khí quản của bệnh nhân cho thấy sẹo mổ liền tốt, đoạn khí quản ghép màu hồng không xung huyết không hoại tử, không hẹp. Sau khám lại 3 tháng bệnh nhân đã tăng được 10kg với thể trạng toàn thân khoẻ mạnh, tự thở qua mũi, tự ăn qua đường miệng. Bệnh nhân dự định sẽ được rút stent khí quản vào tháng thứ 5 – 6 sau mổ.

Tình trạng hiện tại của bệnh nhân đã thay đổi hoàn toàn: Bệnh nhân tăng cân trở lại, sức khoẻ tiến triển tốt, ăn được bằng đường miệng và thở bằng đường mũi như bình thường; cả bệnh nhân và gia đình vui mừng, lạc quan trở lại.

Theo các bác sĩ, cho tới nay, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn còn là một thách thức trong ngành ngoại khoa và trong giới y học trên thế giới. Có nhiều báo cáo ngắn hạn về phẫu thuật ghép đoạn khí quản nhưng kết quả rất khiêm tốn và còn nhiều thách thức và chưa có một phương pháp nào hiệu quả nhất để xử trí loại hình tổn thương này (tổn thương đoạn khí quản dài trên 6 cm).

Cụ thể, việc chọn vật liệu ghép như thế nào, vấn đề nuôi dưỡng đoạn khí quản ghép ra sao, chăm sóc sau ghép như thế nào, thuốc chống thải ghép có cần sử dụng hay là không... Tất cả các vấn đề trên đã được đặt ra trong quá trình hội chẩn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ca ghép trên cũng có tính chất phức tạp do có hai tổn thương cùng một lúc cả khí quản và thực quản ở một bệnh nhân trẻ tuổi. Vấn đề chọn phương pháp xử lý hai loại tổn thương này, chọn thời điểm tiến hành, phương án chăm sóc sau phẫu thuật… đã được tính toán kỹ và đã có kết quả tốt.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng nhận định, với kết quả của bệnh nhân hiện tại, sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho những bệnh nhân có tổn thương đoạn khí quản dài trên 6cm (do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc u...) có thể phục hồi trở lại đường thở tốt nhất.

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với đội ngũ nhân lực chất lượng cao cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng kết hợp với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và tầm nhìn xa của lãnh đạo Bệnh viện thì ghép tạng là một trọng tâm phát triển, ngoài việc triển khai thường quy hơn nữa ghép đa tạng gan, tim, thận, phổi… Bệnh viện sẽ triển khai nhiều các loại ghép khác trong thời gian tới, trong đó có ghép khí quản, ghép tuỵ, ghép ruột…. mang đến nhiều cơ hội cho người bệnh mà trước kia không thể có được.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1162
Quay lên trên