Tổ liên kết nuôi cá kiểng phường Lái Thiêu là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao ở TX.Thuận An. Điều đáng chú ý, sản phẩm của tổ liên kết chủ yếu là xuất khẩu.
Hướng đi phù hợp
Tổ liên kết nuôi cá kiểng phường Lái Thiêu hiện có 12 thành viên. Ông Nguyễn Thanh Hùng, thành viên tổ liên kết, cho biết ông đã có 10 năm nuôi cá dĩa. Ban đầu ông chỉ nuôi chơi vì đam mê loài cá này, bởi cá dĩa có màu sắc, kiểu dáng đẹp. Từ niềm đam mê, dần dần ông chuyển sang kinh doanh cá dĩa. Tuy nhiên, khi chuyển sang kinh doanh ông gặp nhiều khó khăn vì nguồn nước và thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến loài cá này. Từ nguồn nước giếng đóng của gia đình phù hợp môi trường phát triển của loại cá dĩa, ông đầu tư thêm hệ thống xử lý nước bảo đảm độ PH phù hợp. Hiện nguồn nước giếng của gia đình ông phù hợp để phát triển và nhân giống cá dĩa.
Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên Tổ liên kết nuôi cá kiểng phường Lái Thiêu, theo dõi tình hình phát triển đàn cá kiểng của gia đình. Ảnh: VĂN TIẾN
Do đặc tính loại cá dĩa hay bị bệnh nếu thời tiết thay đổi; một số bệnh thường gặp như bệnh nấm, bệnh đường ruột... Chính vì vậy trong quá trình nuôi, ông Hùng thường xuyên theo dõi và phòng bệnh kịp thời; nếu không điều trị, bệnh sẽ lây lan rất nhanh, dẫn đến cá chết hàng loạt. Hiện tại, ông nuôi chủ yếu là cá dĩa sinh sản, như cá dĩa panda, cá dĩa bồ câu panda, cá dĩa da beo, cá dĩa red panda. Riêng cá dĩa red panda, ông có thể nhân tạo màu sắc sang màu vàng hoặc màu đỏ tùy theo sở thích của khách hàng.
Theo ông Hùng, những loài cá này người nuôi có thể cho ăn tim bò trộn với bột màu đỏ hoặc vàng. Cá dĩa rất nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, do vậy ông đặt bể nuôi ở nơi yên tĩnh, tránh quá nhiều ánh sáng. Lợi thế của việc nuôi cá kiểng là người nuôi không cần diện tích rộng, chỉ cần tận dụng những không gian trong nhà là có thể nuôi được.
Ông Võ Ngọc Anh, thành viên Tổ liên kết nuôi cá kiểng Lái Thiêu, chia sẻ trước đây, ông mở trang trại chăn nuôi heo, gà, nhưng do ảnh hưởng đến môi trường nên ông chuyển sang nuôi cá dĩa. Được các thành viên trong tổ liên kết hỗ trợ về con giống, kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng bệnh cho cá, đến nay mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Hiệu quả cao
Ông Anh cho biết, hiện nay sản phẩm của Tổ liên kết nuôi cá kiểng Lái Thiêu chủ yếu là xuất khẩu. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá kiểng mang về cho gia đình ông từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của gia đình ông ổn định hơn trước.
Còn theo ông Hùng, mỗi năm trại cá kiểng của ông thu hoạch 3 đợt. Hiện tại, mỗi con cá kiểng dài 7 cm ông bán với giá 100.000 đồng, loại dài 8 cm giá từ 120.000 đồng, loại 9 cm có giá khoảng 200.000 đồng; nếu là cá giống thì có giá lên đến 500.000 - 1 triệu đồng/con. Mỗi năm, trại cá kiểng đã mang lại cho gia đình ông thu nhập từ 150 - 180 triệu đồng. Điều đáng mừng là thị trường tiêu thụ loại cá này rất lớn, nguồn cung không đủ nên ông xuất lứa nào cũng tiêu thụ hết.
Có thể nói, phát triển kinh doanh cá kiểng ở Lái Thiêu là hướng đi phù hợp với quá trình đô thị hóa của TX.Thuận An. Mô hình kinh doanh này không chỉ tạo việc làm tại chỗ mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi cá kiểng.
Ông Trần Hoàng Thân, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông liên huyện, thị phía nam của tỉnh, nhận xét thời gian qua, các thành viên trong Tổ liên kết nuôi cá kiểng Lái Thiêu đã tích cực gặp gỡ trao đổi về kiến thức cũng như kinh nghiệm phát triển đàn cá. Về phía Trạm Khuyến nông cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo, tổ chức cho các thành viên trong tổ đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi cá kiểng ở các địa phương khác. Hiện nay, Trạm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ 2 hộ có nhu cầu phát triển cá kiểng trên địa bàn phường Lái Thiêu.
Cùng với đó, các thành viên trong tổ liên kết còn được tham gia các diễn đàn với sự có mặt của các doanh nghiệp thu mua cá kiểng xuất khẩu sang các nước. Nhờ đó, người nuôi cá có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu của thị trường và giá trị của từng loại cá để có định hướng phát triển đúng hướng.
VĂN TIẾN