Cabin vắt, trữ sữa vắng bóng công nhân lao động

Cập nhật: 21-08-2018 | 21:45:37

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa mẹ rất tốt cho sự phát triển của trẻ, chính vì vậy, giúp con công nhân lao động (CNLĐ) được sử dụng nguồn dinh dưỡng quý sau thời kỳ nghỉ thai sản, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã có chương trình hỗ trợ lắp đặt cabin vắt, trữ sữa tại các công ty có đông công nhân nữ. Bình Dương cũng có công ty được lắp thí điểm. Ban đầu, cabin thu hút đông CNLĐ nữ đến vắt, trữ sữa, thế nhưng gần đây lại vắng bóng người...

Không còn cảnh nhộn nhịp

Vào những ngày đầu tháng 8-2018, chúng tôi theo chân các thành viên đoàn công tác Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến khảo sát việc thực hiện chính sách đối với CNLĐ nữ tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TX.Thuận An). Công ty này cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh xây dựng cabin vắt sữa từ tháng 11-2014, với diện tích 12m2. Trong cabin có đầy đủ phương tiện như tủ lạnh, máy vắt sữa, khăn, bồn rửa tay, dụng cụ tiệt trùng... Theo con số thống kê từ phía công ty, những năm đầu khi mới lắp đặt cabin, nhờ tuyên truyền sâu rộng, nữ CNLĐ đang nuôi con bằng sữa mẹ rủ nhau đến vắt, trữ lại nguồn sữa mẹ quý giá cho con. Theo đó, các chị vắt sữa bỏ vào các túi trữ sữa, chai, lọ bảo quản trong tủ lạnh, chiều sau khi tan ca mang về cho con bú. Với số lượng hơn 2.800 công nhân nữ đến với cabin trong năm 2015 dường như tủ lạnh trong cabin lúc nào cũng chứa đầy những túi, chai sữa mẹ vừa được vắt ra. Nhiều lúc 4 - 5 chỗ ngồi vắt sữa trong cabin không đủ để CNLĐ thay phiên nhau vắt cho kịp giờ vào ca chiều. Thế nhưng con số đó giảm mạnh sau những năm 2016, 2017. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ còn 364 công nhân đến vắt, trữ sữa cho con. Số lượng các bà mẹ đến với cabin giảm hẳn nên hình ảnh sôi động ngày nào nay thay vào đó là sự vắng vẻ. Anh Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Shyang Hung Cheng, cho biết mặc dù vắng hẳn CNLĐ nữ đến vắt, trữ sữa nhưng ngày nào cũng có nhân viên đến dọn dẹp vệ sinh, lau chùi sạch sẽ tủ lạnh. Anh cũng không hiểu lý do tại sao CNLĐ lại rời xa việc đến cabin vắt, trữ sữa như ngày nào. Trong các cuộc họp, tiếp xúc với CNLĐ, công đoàn cũng đặt ra câu hỏi nhưng không ai trả lời.


Cabin vắt, trữ sữa tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng vắng bóng CNLĐ

Còn tại các công ty chưa lắp đặt cabin riêng nhưng có phòng, khu vực cho các bà mẹ đến vắt, trữ sữa thì cũng vắng dần và thậm chí không còn hình ảnh nữ CNLĐ cặm cụi giữ lại từng giọt sữa cho con mình. Đó là tâm sự chung của những người làm công đoàn các công ty như Công ty TNHH Hài Mỹ (TX. Thuận An), Công ty TNHH Điện tử Foster (TP.Thủ Dầu Một), Công ty TNHH Diamond VN (TX.Bến Cát), Công ty Far Eastern (TX.Thuận An)…

Tìm cách giúp con CNLĐ không “khát” sữa mẹ

Đi tìm câu trả lời từ phía các chị em CNLĐ đang cho con bú, chúng tôi được biết họ có nghe nói về tác dụng của sữa mẹ đối với con. Việc vắt, trữ sữa cho con là cần thiết vì giảm bớt chi phí mua sữa công thức. Trong 6 tháng nghỉ thai sản họ đã cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ. Sau 6 tháng đi làm ai cũng chuẩn bị tâm thế cai sữa để tiện nhờ người trông coi. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ giữa ca, giữa buổi rất ngắn, cabin hay phòng vắt, trữ sữa ở xa nơi làm nên việc đi lại khó khăn. Mặt khác, khi vắt, trữ sữa xong về đến nhà không có tủ lạnh nên không bảo quản được lâu. Một số chị em lại có ý kiến, sau 6 tháng khi bắt đầu đi làm họ gửi con em về quê cho ông bà nên cai sữa hẳn. Còn gửi người thân, gửi trẻ rất khó để họ thực hiện các công đoạn rã đông, hâm nóng cho trẻ được uống sữa mẹ. Bởi vậy, CNLĐ hầu hết sử dụng sữa công thức cho tiện, hoặc nhờ người trông coi cho bé ăn dặm.

Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết muốn CNLĐ đến giữ lại sữa phải tuyên truyền cho họ thấy được tác dụng của việc cho con uống sữa mẹ. Hiện nay, một số quảng cáo từ sữa công thức khuyến khích chị em cho con uống để tăng chiều cao, thông minh nên nhiều bà mẹ chuyển từ sữa mẹ sang cho con dùng sữa công thức. Một số CNLĐ không biết được việc trữ, rã đông sữa cho con uống mà chỉ đơn thuần là uống trực tiếp mới tốt. Do đó, công tác tuyên truyền để họ hiểu, tự giác lưu giữ những giọt sữa cho con là quan trọng.

Đối với Liên đoàn Lao động tỉnh, trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục kêu gọi cán bộ công đoàn các công ty tiếp tục tuyên truyền đến CNLĐ hiểu giá trị của sữa mẹ cho con nhỏ trong vòng 24 tháng đầu đời. Bên cạnh đó, hướng dẫn, thực hành cho các bà mẹ đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ cách vắt, bảo quản sữa an toàn cho sức khỏe trẻ nhỏ. Về phía các công ty, Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị xem xét thời gian nghỉ giữa ca, giữa buổi, nơi đặt cabin, phòng vắt, trữ sữa để CNLĐ có thời gian, địa điểm thuận tiện đến sử dụng.

Trước mô hình xây dựng cabin, phòng vắt, trữ sữa tại các công ty trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao hoạt động này, bà cho rằng đây là việc làm nhân văn. Tuy nhiên số lượng CNLĐ nữ đến với cabin ít dần, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, công đoàn các công ty cần xem xét lại nguyên nhân, cách khắc phục để mô hình này phát huy được hiệu quả.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=504
Quay lên trên