Các bộ kêu thiếu... vốn!
Tại “Hội nghị trực tuyến về đầu tư xây dựng toàn quốc” ngày 4-3 diễn ra tại Hà Nội, nhiều bộ ngành đã “than” thiếu vốn… Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, năm 2010, Bộ NN&PTNN được cấp 3.186 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và 4.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó, theo tính toán nhu cầu về vốn của bộ là khoảng 13.700 tỷ đồng. Như vậy, số vốn phân bổ này chỉ đạt khoảng hơn 53%.
Hiện tại bộ này đang khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án mang tính cấp bách như Dự án chống ngập tại TP.HCM hay các dự án về quy hoạch, xây dựng các vùng nguyên liệu nông nghiệp…
Vì vậy, ông Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho bộ hoặc bố trí ứng trước vốn của năm 2011.
Một khó khăn khác được ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải cho biết là trong năm 2010 tình hình giải ngân nguồn vốn ODA được dự báo cao hơn năm 2009 gấp 3 lần, nghĩa là gần 20.000 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện tại số vốn đối ứng cho các dự án ODA này chưa có.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2010 Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp ngân sách trong chương trình xây dựng nhà ở cho sinh viên là 2.000 tỷ đồng. Bộ sẽ phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2010 sẽ hoàn thành 80% kế hoạch 2010 và theo tính toán mỗi năm tới sẽ xin Chính phủ cấp thêm 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng.
Theo ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010, dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 791.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2009, bằng khoảng 41% GDP.
Theo tính toán, năm 2010, mức vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước sẽ chỉ chiếm khoảng 15,9%, vốn trái phiếu chính phủ chiếm 7,1%, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chiếm 7%, thấp hơn nhiều so với năm 2009. Các nguồn vốn khác từ xã hội sẽ khoảng 70%.
Vì vậy, trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 các bộ, ngành cần chủ động triển khai các cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, bổ sung các cơ chế mới trong hình thức đầu tư BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao), PPP (hợp tác nhà nước - tư nhân),… tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn nhà nước.
(Theo VnMedia)