Quang cảnh một phiên họp Quốc hội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Từ 11 đến 13-6 tới, Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 bộ trưởng.
Các bộ trưởng trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện mong muốn các bộ trưởng sẽ có những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề “nóng,” bức xúc được các đại biểu và cử tri quan tâm.
Việc lựa chọn các Bộ trưởng tham gia chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng yêu cầu của cử tri
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đánh giá việc Quốc hội thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ chín đối với 4 bộ trưởng là rất đúng trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu giải quyết những vướng mắc, để các ngành thực hiện nhiệm vụ sắp tới một cách chủ động hiệu quả. Đây là các Bộ trưởng đứng đầu ở các lĩnh vực “nóng.”
Đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nêu rõ hiện nay, ngành công thương là nòng cốt thực hiện đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại đã bước đầu thành công.
Các ký kết đàm phán thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp hàng hóa của Việt Nam hội nhập thế giới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Vấn đề đặt ra là việc điều hành, tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo thị trường trong nước có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế đối với sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần tham mưu cho Chính phủ rà soát các chủ trương, chính sách trình Quốc hội quyết định cơ chế quản lý thị trường đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; việc cung cấp điện để phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn mà trước đây việc thực chương trình điện khí hóa chưa giải quyết, nhằm đáp ứng yêu cầu cử tri cả nước đang mong đợi.
Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại chỉ rõ 2 lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; khoa học và Công nghệ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Với đòi hỏi của thị trường hiện nay, để nền kinh tế phát triển bền vững, chất lượng sản xuất và tái cơ cấu sản xuất trong ngành nông nghiệp cần phải gắn với việc nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm, năng suất lao động, trong đó yếu tố khoa học góp phần rất quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cạnh tranh, hội nhập như hiện nay đòi hỏi sự tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch, kế hoạch đến sản xuất của người dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa để hạ giá thành sản phẩm nông sản hàng hóa là rất cần thiết.
Chất vấn để góp thêm tiếng nói, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề ra giải pháp tích cực để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nhấn mạnh.
Thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) trăn trở chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được ban hành từ rất lâu, Chính phủ cũng đã để ra nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa thực sự hữu hiệu, trong khi đây là khu vực rất quan trọng, nhất là ổn định lương thực.
Đến nay vẫn cứ lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá,” bà con nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Điều này chứng tỏ chất lượng quy hoạch nông nghiệp, thị trường tiêu thụ có vấn đề.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra giải pháp giải quyết triệt để chứ không chỉ “nói cho qua chuyện.” Không nên để người nông dân phải đổ quá nhiều sức lực trên mảnh ruộng nhưng sinh lợi quá thấp khiến nhiều người phải đổ ra đô thị kiếm tiền bằng nghề phụ.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng trong 4 bộ trưởng được chất vấn, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “nóng” nhất bởi điệp khúc “được mùa rớt giá” cứ được lặp đi lặp lại nhiều năm nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nghiên cứu để có những chính sách cụ thể về vấn đề này.
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, kỳ thi quốc gia. Nhiều người thể hiện sự lo lắng nhưng cũng nhiều người cũng ủng hộ.
Theo số liệu tại các địa phương cho thấy bước đầu đã có kết quả, những học sinh đánh giá sức học tốt mới thi đại học, những học sinh mà đánh giá sức học còn hạn chế sẽ không tham gia kỳ thi đại học. Điều này thể hiện sự xác định rõ, phân luồng, giảm được sự lãng phí về đầu tư của nguồn lực của xã hội và gia đình.
Nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, gửi đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo là việc đổi mới tổ chức kỳ thi chưa được làm thí điểm, công tác chuẩn bị như thế nào, Bộ có lường trước những phát sinh có thể xảy ra…
Theo đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang), một trong những điểm đáng lưu ý trong chất vấn của kỳ họp này là lần đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chứng tỏ Quốc hội đã quan tâm đến những lĩnh vực đang đặt ra yêu cầu lớn trong ngắn hạn và dài hạn.
Những lĩnh vực được coi là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội, gắn với quá trình đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang thời kỳ phát triển dựa trên tri thức, xây dựng nguồn nhận lực chất lượng cao.
Đại biểu kỳ vọng những vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn lần này không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà quan trọng là tìm giải pháp trong giai đoạn trung hạn và dài hạn, giải quyết những vấn đề nền tảng và cơ bản hơn.
Nhấn mạnh vai trò của các đại biểu Quốc hội trong hoạt động hậu giám sát
Cho ý kiến về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nhận định chất vấn và trả lời chất vấn luôn gây được sự chú ý của cử tri bởi hoạt động này đặt những vấn đề được quan tâm, từ đó, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ đưa ra các giải pháp giải quyết.
Tính chất của hoạt động chất vấn là tìm ra các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ, xử lý những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, qua hoạt động chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có thêm nhiều thông tin, từ đó, có sự chia sẻ, phối hợp với cơ quan hành pháp tuyên truyền vận động trong nhân dân và dành thời gian, nguồn lực để giải quyết.
Đối với việc thực hiện lời hứa, cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm chất vấn chỉ là một hình thức thuộc hoạt động giám sát. Nhìn chung việc nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề hậu giám sát.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn là nêu vấn đề, các tư lệnh ngành có thể giải quyết ngay trong Kỳ họp đối với các nội dung dễ giải quyết, không mang phạm vi sâu rộng. Điều cần nhấn mạnh là vai trò của các đại biểu Quốc hội trong hoạt động hậu giám sát.
Mặc dù những vấn đề cần giải quyết sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời các bộ trưởng, trưởng ngành đã có giải đáp nhưng những giải pháp này chỉ mang tính chung chung, kết quả bước đầu.
Điều các đại biểu Quốc hội cần làm là quan tâm, tiếp tục theo đuổi đến cùng những ý kiến mà mình đã chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành để giải quyết có hiệu quả các vấn đề được quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhấn mạnh điều quan trọng là việc đưa Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào cuộc sống. Các giải pháp được bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra rất là thuyết phục nhưng đích cuối cùng vẫn là kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn chứ không phải là lời hứa của các bộ trưởng.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Quốc hội đưa ra chế tài để giám sát việc thực hiện cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành đối với những trường hợp đã hứa nhưng không thực hiện được./.
Theo TTXVN