Các cơ sở giáo dục ngoài công lập “gồng mình” vượt khó

Cập nhật: 08-11-2021 | 08:17:10

 Đã 5 tháng trôi qua kể từ đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, các cơ sở giáo dục ngoài công lập nói chung, trong đó có các trường mầm non, các trung tâm ngoại ngữ phải tạm đóng cửa và gặp nhiều khó khăn khi phải gồng gánh nhiều khoản chi phí để duy trì cơ sở.

 Cô, cháu trường MN ngoài công lập mong chờ ngày trở lại trường (Ảnh chụp trước dịch bệnh)

Nhiều khó khăn

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tấn Lập, Hiệu trưởng trường Mầm non (MN) Hoa Hồng Nhỏ (TX. Tân Uyên), cho hay khi ngưng hoạt động thời gian dài, khó khăn lớn nhất của hệ thống tư thục là tiền lãi ngân hàng vì hầu như trường tư nào cũng phải vay ngân hàng để xây dựng. “Tôi có 3 cơ sở thì 1 cơ sở là đất nhà, 2 cơ sở đất thuê, tiền thuê vẫn phải trả bình thường. Ngoài ra, còn phải đóng tiền bảo hiểm cho một số giáo viên. Nếu ngưng hoạt động lâu dài, khi mở cửa trở lại sẽ thiếu giáo viên MN vì họ đã đi làm công việc khác lương cao hơn, áp lực ít hơn... Với tình hình này, có lẽ chúng tôi phải tìm thêm hướng kinh doanh khác, vì đã quá đuối”, ông Lập nói.

 “Trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, các cấp quản lý phải có sự đồng cảm, chia sẻ với khó khăn của cơ sở và của các bậc cha mẹ. Vì vậy, trong quản lý nhà nước, các cấp quản lý phải thật khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt, đồng thời cũng phải thật kiên quyết. Kiên quyết đối với những quy định về vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, về công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối thể chất và tinh thần cho trẻ; khéo léo trong tư vấn chuyên môn nghiệp vụ cho cơ sở; mềm dẻo, linh hoạt trong quy định về các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục MN”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Chủ cơ sở MN Hoa Trạng Nguyên (TP.Thủ Dầu Một) cho hay dù mặt bằng gia đình có sẵn nhưng cơ sở cũng phải chi nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động, bảo trì cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ... Còn ông Nguyễn Viết Hiếu, Hiệu trưởng trường MN Bé Yêu (TP. Thủ Dầu Một), bày tỏ với tình hình này, giáo viên bỏ nghề, chủ trường phá sản, phụ huynh không quay lại vì trường MN không mở cửa. Sau mùa dịch có lẽ cũng ít người theo nghề này và cũng ít ai dám đầu tư vào ngành này nữa vì tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhìn nhận, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở đã phải tạm ngưng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Thời gian kéo dài đã làm cho chủ cơ sở rất khó khăn trong việc xoay xở các khoản chi trả lương cho người lao động và trang bị bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu phòng, chống dịch. Tính đến thời điểm tháng 9-2021, toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở công bố giải thể, nhiều giáo viên, nhân viên MN đã nghỉ, bỏ việc để đi tìm việc làm khác. Đây là khó khăn rất lớn của chủ các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp MN tư thục vì đội ngũ bình thường đã thiếu, không có nguồn tuyển dụng, nay đội ngũ hiện có lại nghỉ bỏ việc.

Sau đợt nghỉ phòng, chống dịch, khi cơ sở hoạt động trở lại, chủ cơ sở sẽ phải đối mặt với thách thức lớn là thiếu giáo viên, nhân viên. Nếu không tuyển dụng kịp thời, cơ sở sẽ không được phép thu nhận trẻ như thời điểm trước khi nghỉ dịch do không bảo đảm đủ điều kiện về giáo viên. Điều này không chỉ khó khăn cho chủ cơ sở mà còn khó khăn cho chính các bậc cha mẹ do không có chỗ gửi con, nhất là con em công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp.

Giải pháp duy trì

Hiện toàn tỉnh có 320 trường MN tư thục; có 639 cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và 180 cơ sở nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Thời gian qua, ngành GD-ĐT luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và thông tin tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, trong các cơ sở giáo dục MN về các chế độ chính sách phát triển giáo dục MN và chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Theo bà Nguyễn Phương Dung, để duy trì hoạt động các cơ sở MN ngoài công lập trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tham mưu trình UBND tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp MN độc lập tư thục tại khu vực khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra, sở còn tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh định mức kinh phí hỗ trợ đầu tư, trang bị, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất cho các cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp MN độc lập tư thục có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu, cụm công nghiệp.

Tương tự với cấp MN, các trung tâm ngoại ngữ trong tỉnh cũng gặp khó khăn trong mùa dịch này. Những cơ sở không linh động chuyển sang hình thức dạy online thì nguy cơ giải thể là không thể tránh khỏi. Bà Nguyễn Thị Hoài, Giám đốc điều hành Trung tâm Anh ngữ và kỹ năng tính toán Olympia, cho biết khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, trung tâm đã nhanh chóng chuyển sang dạy online. “Do chúng tôi chú trọng về chất lượng nên nhiều phụ huynh cho con học online. Với hình thức học này, trung tâm tính toán học phí hợp lý, phương pháp dạy hấp dẫn nên có khá đông học viên theo học. Nhờ linh hoạt chuyển đổi hướng đi phù hợp, đến giờ này trung tâm vẫn duy trì được hoạt động”.

 HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X