Trước tình hình nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó trong sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người lao động (NLĐ), các công đoàn cơ sở (CĐCS) tiếp tục duy trì hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân. Đặc biệt, mô hình siêu thị công đoàn tại các nhà máy đang phát huy hiệu quả. Có DN còn phụ cấp xăng xe, tiền nhà trọ, tiền thâm niên, khám bệnh định kỳ cho NLĐ...
Mô hình siêu thị công đoàn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam đang phát huy hiệu quả
Không có tiền vẫn mua được nhu yếu phẩm
Thời gian qua, siêu thị mi ni của Công ty Cổ phần Sao Việt (TP.Thuận An), nơi làm việc của hơn 3.000 lao động luôn nhộn nhịp sau giờ tan ca. Nắm bắt được nhu cầu của NLĐ, CĐCS công ty quan tâm bổ sung các mặt hàng thiết yếu ngày càng nhiều hơn. Đó là liên hệ với các đơn vị sản xuất hàng hóa trên địa bàn mua hàng với giá gốc, giá ưu đãi đưa về siêu thị. Đến nay, siêu thị có hơn 300 sản phẩm gồm các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, bột ngọt, gạo, dầu ăn... đến các mặt hàng sơ sinh, quần áo, giày dép, dụng cụ nhà bếp. Tất cả các sản phẩm đều được bán với giá ưu đãi thấp hơn so với thị trường từ 5-30%/sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thẩm, công nhân làm việc lâu năm tại công ty chia sẻ: “Siêu thị công đoàn đã giúp ích rất nhiều cho công nhân khi vừa tiện lợi lại tiết kiệm được thời gian, nhất là với những gia đình có con nhỏ. Hôm nào chưa tới ngày nhận lương, không có tiền, công nhân đến công đoàn nhận phiếu ứng tiền để mua hàng, sau đó trừ lại qua lương. Nhiều năm qua, hầu hết hàng tiêu dùng từ dầu gội đầu, nước mắm, đồ ăn, tôi chủ yếu mua ở siêu thị, vừa tiện lợi lại tiết kiệm chi phí. Thích nhất là không có tiền vẫn mua được hàng, không lo bị đói”. Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Sao Việt, cho biết: “Các DN cung ứng hàng cho siêu thị hầu hết đều rất có tâm. Khi họ biết chúng tôi nhập hàng để chăm lo cho NLĐ thì họ bán với giá rẻ nhất, thấp nhất, bằng với giá vốn”.
Mô hình siêu thị công đoàn đang được nhân rộng tại nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An), cho biết: “DN chúng tôi hoạt động trong ngành dệt may nên 2 năm qua gặp rất nhiều khó khăn về đơn hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập chung của NLĐ. Tuy nhiên, các hoạt động chăm lo cho công nhân, đoàn viên vẫn bảo đảm. Siêu thị công đoàn vẫn cung cấp đầy đủ hàng trăm sản phẩm cho NLĐ, bán với giá ưu đãi từ 10-30%/sản phẩm”.
Một hoạt động không kém phần ý nghĩa của CĐCS Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam là “Quỹ tương trợ” vẫn đang duy trì để giúp NLĐ vượt qua khó khăn. Nguồn quỹ này được CĐCS công ty thành lập hơn 10 năm nay, từ nguồn đóng góp của NLĐ. Ông Trần Ngọc Vinh chia sẻ: “Hiện NLĐ không được tăng ca nhiều so với trước, thu nhập thấp hơn nên số người vay từ “Quỹ tương trợ” nhiều hơn các năm trước. Trước đây, nguồn quỹ còn nhiều, CĐCS tạo điều kiện vay hàng chục triệu đồng/lượt, thì nay giảm xuống còn 5-10 triệu/lượt. CĐCS tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm giúp NLĐ vượt qua khó khăn lúc này”.
Chăm lo cho con em công nhân
Trao đổi với P.V, ông Phạm Ngân Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam (TP.Thuận An), cho biết bên cạnh chăm đời sống NLĐ, việc chăm lo cho con em công nhân, đoàn viên được CĐCS quan tâm, chăm lo. Đầu năm học mới này, CĐCS trích từ nguồn kinh phí công đoàn trao cho tất cả con em NLĐ đang trong độ tuổi đến trường mỗi cháu 150.000 đồng để mua sách vở, bút viết. Riêng các cháu có học lực tốt năm 2022- 2023, công đoàn chi cho các cháu tiểu học số tiền 400.000 đồng/suất, THCS 800.000 đồng/suất, THPT là 1 triệu/ suất học bổng. Những hoạt động trên nhằm động viên các cháu cố gắng học tập, vươn lên và được CĐCS công ty thực hiện hàng năm. Vừa qua, CĐCS công ty cũng tặng mỗi cháu một hộp bánh trong dịp Tết Trung thu năm 2023.
Về chính sách đồng hành chăm lo cho đoàn viên, NLĐ trong công ty, ông Phạm Ngân Hà cho biết thêm, CĐCS phối hợp với Ban Giám đốc công ty thực hiện chính sách là các chế độ trong các dịp lễ, tết hay cho NLĐ đi du lịch, tất cả đều có quy chế thực hiện. Dù năm nay kinh tế khó khăn nhưng công ty vẫn tạo điều kiện cho NLĐ đi tham quan tại Nha Trang 3 ngày. Những trường hợp ốm đau ngắn và dài hạn, ma chay, công ty đều áp dụng đúng quy chế như những năm trước, không cắt giảm, như NLĐ bệnh đau 3 ngày thì thăm hỏi 100.000 đồng/lượt; 6 đến 14 ngày thì thăm hỏi 200.000 đồng/lượt; trên 14 ngày thì thăm hỏi 500.000 đồng/lượt. Những trường hợp bệnh nặng, tai nạn lao động, CĐCS có quỹ “Tương thân tương ái”, để chi thăm hỏi nhiều hơn; nhẹ thì chi từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/lượt, còn nặng hay quá khó khăn thì CĐCS chi tối đa 5 triệu đồng/lượt.
Bên cạnh các hoạt động trên, để động viên NLĐ tiếp tục gắn bó với đơn vị, Công ty Cổ phần Liwayway Việt Nam hỗ trợ tiền xăng xe 200.000 đồng/ người/tháng; tiền nhà ở 550.000 đồng/người/tháng; tiền chuyên cần 500.000 đồng/người/tháng. Cùng với đó, công ty còn phụ cấp thâm niên hàng tháng cho NLĐ làm việc 2 năm, 5 năm, 10 năm...
Thời gian qua, nhìn chung hầu hết các CĐCS trên địa bàn tỉnh đều có những nỗ lực chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ khá hiệu quả. Tùy vào nguồn tài chính của công đoàn, cũng như hỗ trợ từ lãnh đạo đạo các DN mà CĐCS có những hoạt động phù hợp với tổ chức Công đoàn của mình. Qua đó, các hoạt động đã góp phần giúp đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với DN. |
QUANG TÁM