Các công trình hạ tầng giao thông: Thừa năng lực, thiếu nguồn vốn!

Cập nhật: 07-11-2012 | 00:00:00

Giải ngân đến đâu làm đến đó

Cầu Thới An được ví như “cái gạch nối” ngắn nhất nối từ đông sang tây. Ngoài việc rút ngắn khoảng cách địa lý trong việc đi lại của người dân trong vùng; vận chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp với thị trường, các thành phố lớn, các trung tâm vận tải quan trọng, cầu Thới An còn là “nhịp cầu đối ngoại” đưa “bộ máy” kinh tế - xã hội của huyện Bến Cát hòa cùng nhịp đập của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Công trình được khởi công ngày 6-1-2012, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492, thuộc Tổng Công ty Cienco 4 trúng thầu thi công, với tổng mức đầu tư được duyệt là 412,6 tỷ đồng. Trong đó vốn xây lắp 214 tỷ đồng, đền bù 99,1 tỷ đồng, dự phòng 84,6 tỷ đồng và chi phí khác là 14,8 tỷ đồng.   Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh, kiểm tra tiến độ thi công đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đoạn đi qua TX.Thuận An

Trước đó, chủ đầu tư là Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đã tiến hành các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu; đấu thầu công khai đúng quy định, với giá trúng thầu là 214,7 tỷ đồng; tiết giảm cho ngân sách 0,08%/tổng giá trị gói thầu. Do đây là chiếc cầu bắc qua sông nên công tác đền bù giải tỏa khá thuận lợi, diễn ra đúng kế hoạch. Đơn vị thi công cũng đã thi công xong trụ T1 bằng công nghệ khoan cọc nhồi với 22 cọc, đóng xong khung vây và hiện đang đào hố móng, đổ bê tông bịt đáy, chuẩn bị đổ bê tông bệ trụ. Hiện tại, đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện 22 cọc nhồi trụ T2 với các công đoạn, như: Đóng vòng vây cọc ván thép hố móng, chuẩn bị đổ bê tông bịt đáy. Mố M1 đã khoan xong 5/5 cọc nhồi và cầu tạm qua sông, chờ nhận bàn giao mặt bằng trụ T3 để thi công tiếp… Chủ đầu tư cũng đã giải ngân cho nhà thầu 30,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Lời, Giám đốc Ban Quản lý dự án Sở GTVT, đại diện chủ đầu tư, cho biết: “Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492 là đơn vị có kinh nghiệm, có năng lực, đã từng thi công cầu Thủ Biên và chấp nhận phương án thi công trước, thanh toán sau nên mới đạt được khối lượng kể trên. Nếu tính theo khối lượng thì chủ đầu tư đang nợ nhà thầu, nhưng vì đây là công trình đấu thầu trọn gói nên nhà thầu phải thi công theo phương thức giải ngân đến đâu thi công đến đó!”.

Chậm hoàn thành vì vướng giải tỏa!

Một số công trình giao thông thi công đã lâu nhưng chậm hoàn thành là do vướng giải tỏa. Đơn cử như “công trình thế kỷ” đường Nguyễn Chí Thanh, các gói thầu trên tuyến ĐT744… đến nay vẫn còn tồn tại một số hạng mục chỉ vì vướng giải tỏa! Đối với công trình đường Nguyễn Chí Thanh, cống dẫn nước từ giao lộ Nguyễn Chí Thanh - Bùi Ngọc Thu đến cống đôi trên đường Bùi Ngọc Thu dài khoảng 340m và đoạn tiếp giáp với cầu Ông Cộ dài 159m, còn vướng giải tỏa nên chưa thể thi công. Khối lượng còn lại sẽ thi công tiếp khi hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Tuyến ĐT744 nối TP.TDM với huyện Dầu Tiếng dài khoảng 40km, được chia làm nhiều gói thầu nhỏ, mỗi gói thầu có chiều dài từ 2 đến 20km. Theo hợp đồng thì các công trình này đã hết thời hạn thi công, nhưng gói thầu nào cũng bị vướng giải tỏa, nên “làm hoài mà chưa biết ngày nào kết thúc”!   Đơn vị trúng thầu tập trung phương tiện thi công đường vào thành phố mới Bình Dương

Điều này vừa gây khó khăn, bức xúc cho người đi đường, những hộ làm tốt, chấp hành và tích cực hưởng ứng chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng cho Nhà nước xây dựng công trình hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới; vừa “đánh mất” cơ hội về giá do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, giá các loại vật tư, nhân công đều ổn định ở mức thấp. “Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta không chỉ phải trả giá cao cho công trình mà còn kéo dài sự khó khăn, chậm phát triển”, ông Lời nói.

Phương thức hợp tác mới

“Công trình nào đưa vào kế hoạch, thi công cũng đều cần thiết và có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, nhưng việc triển khai thi công chậm là do điều kiện nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng.”

(Ông Nguyễn Đình Lời)

Nếu so với các năm trước thì năm 2012 này Ban Quản lý dự án Sở GTVT quản lý số lượng dự án… ít nhất, nhưng theo dự báo thì “sẽ không hoàn thành kế hoạch”! Nguyên nhân là do nguồn vốn ít, vì phải căn cứ vào khả năng ngân sách và vốn ghi đầu năm. Tức là đầu năm ghi vốn bao nhiêu thì triển khai thực hiện bấy nhiêu. Nếu so sánh khối lượng làm được và giá trị giải ngân thì lượng giải ngân đến thời điểm này là khá cao. Kết quả này cho thấy công tác lựa chọn nhà thầu tốt; giữa chủ đầu tư và nhà thầu có mối quan hệ tốt, từ đó những nhà thầu mạnh về tài chính đã tự ứng vốn để thi công, sau đó thanh toán lại. Cách làm này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, chạy đua với giá. Do giá cả thị trường liên tục biến động nên một số nhà thầu còn cân nhắc, vừa làm vừa canh khối lượng với số vốn giải ngân và không dám làm nhiều. Thấy được điều này, UBND tỉnh cũng đã hứa với các nhà thầu nếu có đóng góp tích cực, chất lượng công trình tốt, có thiện chí làm ăn lâu dài tại Bình Dương thì tỉnh sẽ có chính sách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, như tạm ứng vốn của năm để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Đây có thể nói là cách làm hay, một phương thức hợp tác mới thể hiện sự tín nhiệm, tin cậy lẫn nhau trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn vốn eo hẹp. So với các năm trước, hễ cứ trúng thầu thì chủ đầu tư phải ứng vốn trước để doanh nghiệp thực hiện công trình. Cách làm này vô tình tạo kẽ hở cho một số nhà thầu “chân gỗ” hoặc chuyển nhượng, mua bán dự án để hưởng lợi, mà hậu quả là công trình trì trệ, kém chất lượng. Phương thức hợp tác mới này giúp chủ đầu tư, địa phương tìm ra nhà thầu vừa có năng lực chuyên môn cao, vừa bảo đảm năng lực tài chính để gắn bó dài lâu với quá trình phát triển của địa phương.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=285
Quay lên trên