Trước diễn biến phức tạp và dự báo hướng đi của bão số 1 nhằm hướng bờ biển Ninh Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu, cán bộ, nhân dân hai tỉnh này đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
>> Bão giật cấp 12 hướng thẳng Ninh Thuận - Vũng Tàu
Theo Ban Chỉ huy phòng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, để chủ động phòng, chống cơn bão số 1 có khả năng đổ bộ vào tỉnh, Ban Chỉ huy phòng lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã triển khai phương án phòng chống lụt bão theo hướng nâng cao cảnh giác, nhất là ở các địa phương ven biển.
Các tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu về tránh trú bão tại cảng cá Cà Ná (Ninh Thuận). Bộ đội Biên phòng tỉnh khẩn trương rà soát số lượng tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt hải sản ngoài khơi, thông báo khẩn để các tàu, thuyền nhanh chóng về neo đậu tại nơi trú ẩn an toàn. Đến thời điểm này, Ninh Thuận còn 125 chiếc tàu, thuyền với 912 thuyền viên đang khai thác ven bờ cũng đã được thông báo neo đậu. Số tàu còn lại trong tổng số 2.585 chiếc của tỉnh đã neo đậu an toàn tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu và Kiên Giang.
Ngoài số lượng tàu thuyền của tỉnh đã tạm trú tránh cơn bão còn có rất nhiều tàu thuyền của các tỉnh bạn đến neo đậu tại Ninh Thuận, chủ yếu là tàu thuyền các tỉnh miền Trung với 230 chiếc và 1.481 thuyền viên. Ninh Thuận đã sắp xếp cho 1.377 chiếc tàu, thuyền, với 6.455 thuyền viên, neo đậu trú tránh bão tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiến hành di dời vào bờ một số lồng bè nuôi trồng thủy sản hải trên biển về nơi an toàn.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương trong toàn tỉnh theo dõi sát tình hình, diễn biến cơn bão số 1 để chủ động phòng, chống theo phương châm "4 tại chỗ."
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đến chiều 30-3, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 2.100 tàu đánh cá với hơn 9.600 ngư dân đã vào bờ tránh trú cơn bão số 1. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 3.000 tàu đánh cá với hơn 23.000 ngư dân đang đánh bắt ở khu vực ảnh hưởng của bão số 1, trong đó có hơn 700 tàu đánh bắt gần bờ.
Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tích cực thông báo kêu gọi số tàu thuyền đánh cá trong khu vực trên tìm nơi tránh trú, đặc biệt là số tàu cá gần bờ, dễ sinh tâm lý chủ quan. Còn số đánh bắt xa bờ đều được thông báo, nắm cụ thể tình hình về cơn bão như hướng đi, cấp gió, sóng.
Mặc dù không nằm đúng vào hướng đi của cơn bão nhưng rút kinh nghiệm cơn bão số 9 năm 2006, chiều tối 30-3, Ủy ban phòng chống lụt bão Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp khẩn với các cơ quan chức năng, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh để có phương án phòng chống, di dời dân. Hiện nay, người dân và các đơn vị có công trình ven biển, ở những vị trí thấp hoặc dễ sạt lở đều đã được thông báo về cơn bão và sẵn sàng các biện pháp phòng chống.
Vào lúc 15 giờ 10 phút đến 17 giờ 15 phút chiều 30-3, trên địa bàn thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành đã có hai cơn mưa liên tiếp, khá nặng hạt kèm theo nhiều sấm chớp, do ảnh hưởng của bão số 1. Điều đáng nói là sáng và trưa 30-3 trời nắng gắt, oi bức thì chiều lại đổ mưa, trong khi thời tiết Nam bộ đang vào cao điểm mùa khô. Cơn mưa đã làm nhà vườn mừng vui vì hàng chục ngàn héc-ta dừa, cây ăn trái, hoa màu được tưới mát, trong khi diêm dân ở hai huyện Ba Tri và Bình Đại lại lo lắng do đây là hai địa phương sản xuất nhiều muối.
Cùng nỗi lo còn có các đơn vị đang thi công các công trình phục vụ Festival Dừa Bến Tre lần thứ III, chuẩn bị khai mạc vào ngày 5-4, tuy nhiên ông Lê Quý Dương, Giám đốc Công ty TNHH Lê Quý Dương, TP.HCM, Tổng đạo diễn chương trình Festival Dừa Bến Tre lần thứ III khẳng định, các phần việc đã lên kế hoạch và sẽ hoàn thành đúng thời gian đã định. Công ty Lê Quý Dương đang lắp đặt sân khấu nổi giữa hồ Trúc Giang (thành phố Bến Tre), sức chứa 500 khách và phần sân khấu trên bờ. Dự kiến, đêm khai mạc Festival Dừa Bến Tre lần thứ III có khoảng 5.000 người tham dự.
Theo TTXVN