Các địa phương ra quân phòng, chống sốt xuất huyết

Cập nhật: 08-12-2022 | 08:22:45

 Những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, ngành y tế dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường triển khai tổng vệ sinh môi trường, thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

 Lật úp các dụng cụ chứa nước là một trong những biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi

 Tích cực ra quân

Tại TX.Tân Uyên, từ đầu năm đến nay địa phương này đã ghi nhận hơn 3.000 trường hợp mắc bệnh SXH, trong đó có 7 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, UBND thị xã đã tiến hành triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh SXH, tay chân miệng. Chiến dịch được chia làm 2 đợt, thu hút trên 1.600 người tham dự.

Tại buổi ra quân, các cán bộ, đảng viên kêu gọi các tầng lớp nhân dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống thoát nước, lấp ao tù nước đọng, dẹp bỏ các vật dụng phế liệu đọng nước sau mưa, không xả rác nơi công cộng, kênh, rạch, cống thoát nước, hố ga, miệng cống, tăng cường mảng xanh xung quanh khu vực sinh sống…; duy trì thường xuyên các hoạt động phòng ngừa các loại dịch bệnh, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng TX.Tân Uyên xanh, sạch, đẹp.

Ngoài ra, ở các xã, phường trên địa bàn TX.Tân Uyên cũng đồng loạt tổ chức hơn 50 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh với sự tham gia của hàng ngàn người. Những hoạt động này nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh của người dân.

Trong khi đó tại TP.Dĩ An, số ca mắc SXH cũng ở ngưỡng cao và địa phương này cũng đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc SXH, trong đó có 8 ca tử vong. Là địa bàn có mật độ dân số cao, nhiều công nhân, đông nhà trọ, phòng trọ chật hẹp lại trữ nhiều dụng cụ chứa nước không nắp đậy; song song đó ý thức phòng, chống dịch bệnh SXH của người dân vẫn còn hạn chế chính là những nguy cơ phát sinh và bùng phát dịch bệnh SXH. Hơn nữa, hiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa xen kẽ nắng nóng là những yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Trước nguy cơ dịch bệnh SXH diễn tiến phức tạp, TP.Dĩ An đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh SXH. 7 phường của thành phố đồng loạt ra quân tuyên truyền tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phòng chống bệnh SXH. Trong đợt ra quân tại phường Tân Bình, toàn phường đã huy động hơn 1.000 cán bộ khu phố, đoàn viên, hội viên và nhân dân đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường. Các cán bộ khu phố và người dân đã tiến hành vệ sinh, phát quang, dọn dẹp tất cả các tuyến đường ao tù nước đọng, khu nhà trọ trên toàn phường. Cùng với việc ra quân, các địa phương còn vận động nhân dân xử lý rác thải như: Thu gom, quét dọn, tiêu hủy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch.

Tăng cường phòng, chống bệnh SXH

Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết bệnh SXH vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh SXH đó là ý thức của người dân chưa cao, người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và diệt lăng quăng (bọ gậy). Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan, tự điều trị tại nhà nên dẫn đến bệnh biến chứng nhanh và tử vong.

Hiện nay, những tháng cuối năm với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngành y tế tỉnh dự báo thời gian tới số ca mắc bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngành y tế yêu cầu các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tham mưu cho UBND huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài. Trong khi đó các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân SXH.

Theo các cán bộ phòng, chống dịch bệnh, kinh nghiệm chống dịch bệnh SXH cho thấy nếu phát hiện sớm và xử lý ổ dịch triệt để ngay từ ban đầu, kết hợp đồng bộ với các hoạt động chủ động khác như phun hóa chất diện rộng tại các điểm nguy cơ cao thì sẽ phát huy cao hiệu quả chống dịch.

 “Hiện nay, tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, ngành y tế thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc duy trì công tác tổng vệ sinh môi trường 1 lần/tuần là hết sức cần thiết. Đặc biệt, không để nước đọng là nơi phát sinh các ổ bọ gậy tại khu vực nhà trọ, đông người lao động là việc làm vô cùng cần thiết, mang tính quyết định trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Chủ nhà trọ cũng cần chủ động, thường xuyên giám sát các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao về SXH và phối hợp với trạm y tế, trung tâm y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi và theo diễn biến tình hình dịch bệnh”.

(Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 HOÀNG LINH - ĐĂNG HƯNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=286
Quay lên trên