Qua 2 ngày (27 và 28-3) thực hiện kế hoạch giám sát về việc tổ chức bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2011-2015 của Thường trực HĐND tỉnh, cho thấy nhiều dự án đã và đang được tích cực triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn có dự án gặp khó khăn do cả yếu tố khách quan, lẫn chủ quan!
Chậm, dàn trải, thiếu vốn!
Báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo kế hoạch BVMT giai đoạn 2011-2015 thì các ngành, đơn vị phải tập trung thực hiện và hoàn thành 26 dự án ưu tiên đầu tư và 24 nhiệm vụ, đề án, dự án trọng tâm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để tiến hành triển khai các dự án, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những dự án chậm được triển khai hoặc chưa đúng tiến độ, nhất là các dự án mang tính chất đầu tư. Nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan, dẫn đến quá trình lập dự án kéo dài, khó khăn trong lựa chọn nhà thầu có năng lực, giá cả thay đổi liên tục, công tác giải phóng mặt bằng chậm như dự án kênh T6 (Dĩ An), dự án hệ thống thoát nước Sóng Thần - Dĩ An...
Các đại biểu tiến hành giám sát hạng mục thu gom nước thải của dự án
Theo ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay sở đã có 5/7 dự án đủ điều kiện triển khai thực hiện và trong đó có 1 dự án đang thi công, 1 dự án chuẩn bị thi công vào cuối quý I-2012. Tuy vậy, so với yêu cầu đặt ra các dự án trên vẫn còn chậm tiến độ do phụ thuộc công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chế độ chính sách, công tác đấu thầu, chọn nhà thầu và nguồn vốn bố trí chưa đáp ứng đủ yêu cầu, đặc biệt là vốn chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cũng thừa nhận nhiều dự án liên quan đến BVMT còn chậm tiến độ, đặc biệt đối với dự án xử lý chất thải y tế còn khó khăn do thiếu thông tin về mô hình phù hợp, điều chỉnh nhiều lần, vốn đầu tư lớn... Ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, có 3 dự án thuộc sở làm chủ đầu tư là hệ thống thoát nước suối Lồ Ồ, nạo vét suối Đồng Sổ, hệ thống tiêu thoát nước Tân Bình và suối Cây Trường. Hầu hết các dự án này đều thực hiện đạt tiến độ nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc giải tỏa bồi thường gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời vốn bố trí cho các dự án nói trên còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu...
Và, những điều mắt thấy, tai nghe
Sau khi giám sát tại các đơn vị có liên quan về kế hoạch triển khai thực hiện các dự án BVMT, các đại biểu HĐND đã tiến hành giám sát trực tiếp để tận mắt chứng kiến tiến độ thi công đối với dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương tại TX.Thủ Dầu Một. Đoàn giám sát đã kiểm tra các hạng mục như trạm bơm nâng, bơm chuyển tiếp, thi công hệ thống đường ống và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Đây là dự án thực hiện bằng vốn vay của JICA (Nhật Bản), được Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường tập trung thực hiện qua rất nhiều khâu, từ khâu sơ tuyển, đấu thầu tư vấn đến đấu thầu xây dựng, mua sắm thiết bị và triển khai thi công...
Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tình hình lắp đặt hệ thống đường ống của dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương
Tại buổi giám sát trực tiếp này, nhiều đại biểu đã quan tâm tìm hiểu các vấn đề về khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai thi công cũng như tiến độ thi công và kỹ thuật đấu nối; việc tái lập mặt bằng các con đường sau khi thi công; công nghệ xử lý và một số tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án... Theo ông Lê Văn Gòn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường, đơn vị đã có những phối hợp với địa phương như thông báo cụ thể tình hình thi công dự án cũng như mục đích và lợi ích của dự án để người dân hiểu. Về việc hoàn trả mặt đường thì sau thời gian chờ lún sẽ tiếp tục phủ thêm một lớp nhựa nóng để bảo đảm an toàn cho người dân khi đi lại. Đối với cơ chế đấu nối và cơ chế tài chính cho dự án đi vào hoạt động sau khi hoàn thành, đơn vị cũng đã có tính toán một số phương án để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và HĐND tỉnh.
Sau khi ghi nhận thực tế, các đại biểu cho biết sẽ có những thảo luận cụ thể hơn về những vướng mắc, tồn tại cũng như cơ chế cho dự án này sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động.
T.ĐỒNG
- Đại biểu Ngô Hoàng Luân: Tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng
Thời gian qua, công tác tuyên truyền ý thức BVMT đến với người dân còn hạn chế, chỉ mới dừng lại ở những chương trình truyền thông chung chung, không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, thời gian tới, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn. Không chỉ làm phong trào mà phải đi vào chiều sâu với hình thức và nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú hơn nhằm chuyển tải những việc cần làm xuống tận cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền trong trường học. Đây là nền tảng cho ý thức BVMT sau này.
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn: Chọn những công trình trọng điểm để ưu tiên thực hiện
Đến thời điểm này có thể nói tiến độ tất cả các công trình đều chậm, điều này gây lãng phí lớn. Để đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư cần quy trách nhiệm rõ ràng; rà soát lại bộ máy thực hiện... Đặc biệt, cần rà soát, chọn công trình trọng điểm để ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó, để hạn chế ô nhiễm môi trường cần kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp nằm trong danh sách đen.
- Đại biểu Nguyễn Thành Trung: Rác thải y tế cần được đặc biệt quan tâm
Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều đến việc xả thải của các doanh nghiệp, tuy nhiên chất thải y tế là một mảng lớn chưa được quan tâm. Việc xử lý chất thải, nước thải y tế chưa bảo đảm và đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường cực kỳ nguy hiểm. Hiện chất thải y tế nguy hiểm được giao cho các công ty liên kết xử lý, tuy nhiên chúng ta chưa biết được quy trình, trình độ và công nghệ xử lý của họ ra sao... Vì vậy, ngành y tế cần khẩn trương triển khai các dự án để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Bà Trần Thị Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh: Dân bức xúc nhất là doanh nghiệp gian lận
Các doanh nghiệp khi đầu tư đều có thiết kế phương án BVMT, tuy nhiên trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình. Chính điều này gây bức xúc cho dân. Vì vậy, cần quản lý việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp. Song song đó, phải có chế tài xử lý nghiêm hơn để đủ sức răn đe các doanh nghiệp vi phạm.
TIỂU LIÊN (lược ghi)