Cùng với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của tỉnh nhà, nhiều hiệp hội, ngành hàng trưởng thành mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vươn ra được nhiều thị trường trên thế giới.
Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Lớn mạnh không ngừng
Cùng với quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, sự ra đời của các hiệp hội ngành hàng đã và đang phát huy được thế mạnh nội tại của các DN. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 8 hiệp hội ngành hàng bao gồm dệt may, sơn mài - điêu khắc, chế biến gỗ, gốm sứ, cơ điện, da giày - túi xách, Hiệp hội Logistics và Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương với tổng số hội viên của các hiệp hội là 720. Các hiệp hội, ngành hàng đã tập hợp lại để hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
Trong bước đường hơn 10 năm phát triển, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) là điển hình cho sự thành công nhờ sự đoàn kết để nắm bắt nhiều cơ hội lớn. Đến nay, ngày càng nhiều DN trong hiệp hội ghi danh vào những “ông lớn” của ngành gỗ của Việt Nam và khu vực. Theo lãnh đạo BIFA, xuất khẩu sản phẩm từ gỗ của Bình Dương tăng trưởng theo từng năm và đến nay Bình Dương là “thủ phủ” của ngành gỗ cả nước với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch của cả nước. Trong hành trình phát triển, các DN trong hiệp hội luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình để đưa hoạt động của hiệp hội ngày càng hiệu quả hơn. Với phương châm “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, thông qua hoạt động và sự lớn mạnh không ngừng của BIFA, các DN đã cùng chung sức xây dựng mái nhà chung của ngành gỗ thành nơi kết nối các DN. Tại đây, các DN cùng nhau chia sẻ thông tin thị trường, các xu thế phát triển và thúc đẩy liên kết sản xuất để vươn xa. Hiện tại, BIFA có hơn 300 hội viên là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước, kế hoạch đến năm 2025 sẽ phát triển lên 400 hội viên và thúc đẩy quan hệ hội viên liên kết với các DN đầu tư nước ngoài.
Một hiệp hội dù tuổi đời còn non trẻ hơn song tiếng nói và sức đoàn kết vô cùng mạnh mẽ đó là Hiệp hội Cơ - Điện Bình Dương (BIMEA). 8 năm thành lập, BIMEA đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho các DN hoạt động trên lĩnh vực cơ khí, điện tử trong, ngoài tỉnh vươn mình cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập và xuất khẩu đi các nước. BIMEA không chỉ trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên mà còn là cầu nối giữa cộng đồng DN cơ - điện với các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và Trung ương. Những 2014 và 2015, BIMEA đã có nhiều văn bản kiến nghị hoặc trực tiếp kiến nghị đến các cơ quan Trung ương để đề nghị sửa đổi những thông tư, nghị định, quy định không phù hợp nhằm tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn cho DN trong nước. Từ những kiến nghị kịp thời này, các cơ quan Trung ương đã điều chỉnh những văn bản đã ban hành giúp Nhà nước, DN tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng khi đấu thầu các gói thầu sử dụng vốn ngân sách. Ông Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo một DN tại TX.Thuận An, chia sẻ: “Khi đứng chân vào hiệp hội, nắm bắt được nhiều thông tin, chính sách điều hành của lãnh đạo tỉnh và Trung ương tôi mới thấy được cơ hội to lớn khi tham gia. Đây là một nguồn lực mới đầy quý giá cho DN chúng tôi phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua”.
Những năm gần đây, các hiệp hội trong tỉnh như dệt may, giày da và túi xách, sơn mài, logistics… thực sự đã giữ vai trò tham mưu, khuyến cáo các DN hoạt động trong lĩnh vực của mình tập trung đầu tư, đưa công nghệ và trang thiết bị mới có công suất cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời đưa ra những dự báo sát thực về diễn biến thị trường. Trong sinh hoạt nội bộ, các DN cũng cùng nhau trợ giúp kỹ thuật cho các thành viên của hiệp hội; bảo vệ lợi ích chính đáng của các hội viên; đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức, hiệp hội khác nhằm tìm kiếm thị trường mới ...
Hợp sức để vươn xa
Trong tiến trình hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho các hiệp hội ngành hàng càng nặng nề hơn. Theo TS Nguyễn Đình Cung, cùng với cơ hội mở ra thì thách thức cho DN là rất lớn. Do vậy, vai trò của các hiệp hội DN, ngành hàng trong việc thông tin về các nội dung của hiệp định là vô cùng quan trọng. “DN nhỏ nếu như đứng một mình thì không đủ năng lực. Hiệp hội các DN phải đứng lên. Và phải có những bộ phận phân tích, đánh giá tốt hơn nữa. Các hiệp hội có thể kết hợp cới các chuyên gia tư vấn, những tổ chức nghiên cứu, hãy sẵn sàng hợp tác…”, TS Trần Đình Cung nhấn mạnh.
TS Võ Trí Thành cho rằng: “DN Việt khi theo các vấn đề pháp lý còn yếu, kể cả khi họ có hiểu biết rồi thì vẫn chưa có điều kiện để thực hiện hiệu quả vì chi phí rất cao. Đối với DN lớn có phòng nghiên cứu pháp lý, luật sư… sẽ làm được. Chính phủ phải hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ. Năng lực pháp lý của các hiệp hội ở Việt Nam chưa đạt để đảm bảo đúng với cạnh tranh và hội nhập”.
Điều rất đáng mừng hiện nay là rất nhiều DN trong các hiệp hội, ngành hàng của tỉnh đã biết phát huy sức mạnh tập thể trong việc đẩy mạnh liên kết để làm nên thương hiệu từng ngành thế mạnh của Bình Dương. Với riêng BIFA, để tạo nên thương hiệu gỗ Bình Dương, rất nhiều DN trong hiệp hội đã chủ động liên kết với nhau từ khâu xây dựng phòng thiết kế mẫu, mời các chuyên gia nước ngoài về chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ, nghiên cứu thị trường để cùng nhau vươn mình ra “biển lớn”. Các DN cũng gắn kết chặt chẽ với nhau trong các tranh chấp pháp lý, hay kiến nghị với các ngành chức năng để bảo vệ lợi ích đúng đắn của DN…
TIỂU MY