Ngày 10-4-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, theo đó nghị định gồm có 25 điều quy định chi tiết các chương, điều, khoản (về thời gian giải quyết tố cáo, rút tố cáo, giải quyết tố cáo đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, bảo vệ người tố cáo) và các biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo như: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tiếp nhận, xử lý tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Nghị định 31/2019/NĐ-CP áp dụng đối với cá nhân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.
Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định rõ về hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo. Theo đó, có 3 hình thức kỷ luật (khiển trách; cảnh cáo; cách chức) đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm:
- Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật, như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.
- Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật, như: Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.
- Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật, như: Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28-5-2019.
SỞ TƯ PHÁP