Dầu Tiếng là huyện thuần nông. Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Bên cạnh thế mạnh là cây cao su, nông dân Dầu Tiếng đã thử nghiệm nhiều mô hình nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò sữa của nông dân xã Long Tân hiện đang phát huy hiệu quả nhờ có Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sữa.
THT chăn nuôi bò sữa xã Long Tân hiện có hơn 140 con bò sữa, trong đó 130 con bò mẹ đã cho sữa
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, THT chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã vận động được 11 hộ tham gia (ban đầu chỉ có 3 hộ nuôi). Hiện tổng đàn của THT chăn nuôi bò sữa xã Long Tân có hơn 140 con, trong đó 130 con bò mẹ đã cho sữa. Để duy trì mô hình chăn nuôi này, Hội Nông dân xã Long Tân đã tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi bò sữa tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển đàn. Theo như cách tính của anh Nguyễn Văn Khương, ngụ ấp Hố Muồng, hiện giá mua 1 con bò sữa giống tốt chỉ từ 35 - 40 triệu đồng; trong khi giá 1kg sữa là 12.000 đồng. Sữa bán được giá cao, người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất. Từ nguồn thu nhập này, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ, có điều kiện nuôi con cái ăn học chu đáo.
Để có được kết quả như vậy, các hộ chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã trải qua nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng đứng trước nguy cơ phá sản. Người đi đầu hình thành mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã Long Tân là anh Nguyễn Văn Khương. Qua trao đổi, anh Khương cho biết trước đây THT chăn nuôi bò sữa có tên là Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò sữa. Mô hình này bắt đầu manh nha vào năm 2000. Đây cũng là mô hình đầu tiên mà nông dân xã Long Tân đã đưa vào thử nghiệm. Theo anh Khương thì ở tại các vùng như Bến Cát, Lai Uyên, Hóc Môn, Củ Chi... nghề chăn nuôi bò sữa phát triển rất mạnh, lợi nhuận mang lại cho nông dân rất cao. Tận dụng diện tích cỏ tự nhiên có sẵn, anh Khương đã mạnh dạn mua bò sữa về nuôi thử. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi giống bò này, nên gia đình anh gặp không ít khó khăn. Ngoài anh Khương, một số hộ khác cũng nuôi thử 1 - 2 con, chủ yếu nuôi tự phát, nhỏ lẻ.
Anh Khương nhận thấy nhiều nơi người nuôi bò sữa tập hợp lại thành CLB hay THT để trao đổi kinh nghiệm và mô hình này đã giúp nông dân các nơi ấy thoát nghèo nhanh chóng nên quyết tâm tập hợp các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ để cùng phát triển đàn và dễ bán sản phẩm. Từ CLB chăn nuôi bò sữa với 3 hộ ban đầu, THT chăn nuôi bò sữa xã Long Tân ra đời và ngày càng lớn mạnh. Từ khi THT ra đời, với vai trò là tổ trưởng, anh Khương đã mạnh dạn liên hệ ký kết để cung ứng nguồn sữa cho công ty; đồng thời nhờ công ty sữa cung cấp con giống tốt, chất lượng cao cho hội viên trong tổ. Anh Nguyễn Văn Khương cho biết thêm, các hộ chăn nuôi bò sữa trong THT thường xuyên tham gia sinh hoạt nhằm trao đổi kinh nghiệm, đồng thời nêu lên những khó khăn để cùng nhau bàn luận tháo gỡ. Nhờ vậy mà vấn đề dịch bệnh không xảy ra, chất lượng sữa cung cấp cho công ty luôn bảo đảm.
Có thể nói, THT chăn nuôi bò sữa ở xã Long Tân được hình thành và phát triển đã góp phần làm đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp người nông dân tìm kiếm hướng phát triển kinh tế phù hợp.
HOÀNG TIẾN