Vượt qua ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kinh tế của tỉnh từ những tháng cuối năm 2021 đến nay đã phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh 2 tháng đầu năm 2022 đạt 47,3 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các khu công nghiệp (KCN) thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong tình hình dịch bệnh, Bình Dương vẫn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Hội nghị xúc tiến đầu tư Hà Lan vừa được Bình Dương tổ chức theo hình thức trực tuyến
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu
Bình Dương đang quyết liệt thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh đang có nhiều chuyển biến tích cực, lạc quan. Lũy kế 2 tháng đầu năm, tỉnh đã thu hút được trên 47 triệu đô la Mỹ. Trong đó, có 5 dự án đầu tư mới (14,9 triệu đô la Mỹ), 3 dự án điều chỉnh tăng vốn (8,5 triệu đô la Mỹ) và 16 dự án góp vốn (23,8 triệu đô la Mỹ). Đến nay, toàn tỉnh có 4.033 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn trên 37,7 tỷ đô la Mỹ.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 4 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đầu tư đạt 39,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 87,34% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 3,9 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,81% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa.
Theo đối tác đầu tư, có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương trong 2 tháng đầu năm. Trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 13,6 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đăng ký, Seychelles đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư, British VirginIslands đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 8,25 triệu USD, chiếm 19,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Hồng Kông và Đài Loan. Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 14,8 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 31% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 37,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 9,1% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Đến nay, khu vực có vốn FDI đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có trên 86% lượng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có những dự án trên 1 tỷ đô la Mỹ. 2 tháng đầu năm 2022, một số dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn, như: Dự án sản xuất điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt dưới 1MW của Công ty TNHH Green Cross Việt Nam tại KCN VSIP 1; dự án sản xuất các linh kiện, phụ kiện ngành may mặc tại KCN quốc tế Protrade; dự án sản xuất, gia công các loại thép thông thường, thép đặc biệt, các loại ống thép carbon, ống thép không gỉ tại KCN Mỹ Phước 2; dự án sản xuất tủ phòng tắm và linh phụ kiện; sản xuất tủ bếp và linh phụ kiện tại KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên…
Bình Dương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai ứng dụng thông tin trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; duy trì thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, bảo đảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính nhanh chóng; tích hợp các dịch vụ tiện ích trong hỗ trợ doanh nghiệp… Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết sở vẫn đang kiên trì việc tổ chức các cuộc làm việc với nhà đầu tư để xúc tiến, giới thiệu và tìm kiếm địa điểm, hướng dẫn thủ tục triển khai các bước cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án... Tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà đầu tư trên tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn. Tập trung thu hút FDI để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại.
Năm 2022 tỉnh phấn đấu thu hút trên 1,8 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang chủ động mọi giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI ngày càng chất lượng và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa. Tỉnh cũng đng chuẩn bị thật tốt các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
NGỌC THANH