Bằng nhiều giải pháp như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… các khu công nghiệp (KCN) của Bình Dương tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc áp dụng đồng loạt các giải pháp đã giúp các KCN Bình Dương hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài trên 2,4 tỷ đô la Mỹ, đạt 201,74% so với kế hoạch năm 2022.
Bình Dương đã và đang phát triển các khu công nghiệp thế hệ mới với mô hình “3 trong 1” gồm công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Trong ảnh: Một góc VSIP I, khu công nghiệp kiểu mẫu của Bình Dương đã được nhân rộng ra cả nước. Ảnh: NGỌC THANH
Vượt kế hoạch năm
Từ đầu năm 2022, bên cạnh tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong các KCN của tỉnh đã tích cực huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của địa phương, đẩy mạnh khôi phục toàn bộ các hoạt động, đóng góp duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 8 tháng năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp phép 59 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 448.452m2 và tổng vốn xây dựng gần 2.749 tỷ đồng; đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.914,89 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy là 90,96%.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, 8 tháng năm 2022, các KCN tại Bình Dương đã thu hút hơn 2,4 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt 201,74% so với kế hoạch năm 2022; 10.037 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, tăng 293,28% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 912,48% so với kế hoạch năm 2022. Lũy kế đến nay, các KCN tỉnh đã thu hút được 2.349 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,1 tỷ đô la Mỹ của các DN đến từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ; 675 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 87.898 tỷ đồng. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.
Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… các KCN tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết so với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 33 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 15.790 ha. Hiện tại, toàn tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch hơn 12.662 ha; trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10.962 ha, 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (KCN VSIP 3 và KCN Cây Trường), với tổng diện tích 1.700 ha. Cùng với đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại các KCN hiện hữu để tăng hiệu quả sử dụng đất.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng
Hiện nay, 29 KCN trên địa bàn tỉnh đã cơ bản lấp đầy dự án đầu tư. Trong 8 tháng năm 2022, hầu hết DN trong các KCN hoạt động ổn định. Khu vực có vốn FDI tiếp tục là lực lượng dẫn dắt, đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và các KCN nói riêng. Trong đó, có trên 86% lượng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án trên 1 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2022, các KCN tỉnh phấn đấu thu hút vốn FDI khoảng 1,2 - 1,3 tỷ đô la Mỹ; thu hút 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Nhưng qua 8 tháng của năm 2022, các chỉ tiêu này đã vượt xa kế hoạch đề ra. Để tiếp tục phát triển ngày càng bền vững, các KCN tỉnh đang chủ động mọi giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Tỉnh cũng đang chuẩn bị thật tốt các điều kiện như quỹ đất sạch, chủ động quy hoạch các KCN, hệ sinh thái công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hiện Bình Dương xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN trên địa bàn, đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng DN, như cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… các KCN tiếp tục là khu vực tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
NGỌC THANH