Sau một thời gian vất vả chạy đua nước rút gọi vốn, tìm cổ đông đầu tư để đạt được mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng theo quy định 141/CP của Ngân hàng (NH) Nhà nước. Có thể nói, đến thời điểm này, đối với các NH quy mô vốn nhỏ, nhất là những NH mà vốn điều lệ còn ở mức 1.000 tỷ đồng đã phần nào giải quyết được khó khăn đối với bài toán tăng vốn theo lộ trình đưa ra. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào đề cập tới việc mua lại hay sáp nhập mặc dù trong thực tế, việc thực hiện theo kế hoạch như đã đề ra vẫn là một ẩn số.
Áp lực lớn cho ngân hàng nhỏ
Theo số liệu của ngành chức năng, hiện nay có 39 NH thương mại, trong đó, có 9 NH có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng, 9 NH có vốn nằm trong khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng, số còn lại dưới 2.000 tỷ đồng. Qua đó cho thấy các NH nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống NH thương mại hiện nay và dĩ nhiên kết quả cuộc chạy đua tìm đủ nguồn vốn 3.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm vẫn còn ở phía trước. Một cán bộ NH cho biết, hiện một số NH đã chọn giải pháp huy động vốn thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh tập trung thu hút vốn cùng lúc của cả hệ thống các NH là áp lực không đơn giản, nhất là đối với các NH cổ phần nhỏ (hiện các NH lớn như VCB, ACB, Sacombank... cũng đang có kế hoạch tăng vốn qua kênh đầu tư chứng khoán nhằm nâng tổng số vốn cần huy động trong năm nay là hơn 50 ngàn tỷ đồng). Đặc biệt thị trường chứng khoán Việt Nam hiện không được sôi động như giai đoạn năm 2006-2007, giá cổ phiếu ì ạch trên thị trường lẫn OTC. Bên cạnh đó, trong năm 2010 này, số lượng doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa là 1.500 doanh nghiệp, mặc dù số lượng còn lại chỉ bằng 1/10 so với thời kỳ đầu, thế nhưng, lại chiếm một phần vốn rất lớn, khoảng 70% tổng số vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Như vậy, sẽ tăng thêm khó khăn cho câu chuyện tăng vốn của các NH.
Các NH đang tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu 3.000 tỷ đồn vốn pháp định
Tạm yên tâm về phương án
Qua tham khảo thông tin một số NH thì sức ép tăng vốn không còn đè nặng mà đang dịu dần. Phương án mà các NH đã trình NH Nhà nước là thông qua phát hành cổ phần cho các cổ đông hiện hữu hoặc nhân viên, cũng có NH tìm các đối tác trong và ngoài nước để bán cổ phần. Ông Đặng Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc NH Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết “lộ trình tăng vốn của SHB đã được Đại Hội đồng Cổ đông thông qua và HĐQT cũng đã có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Theo kế hoạch tăng vốn trong năm 2010, SHB đã chốt danh sách để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng vào ngày 20-8, trong đó, SHB đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi và đang thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đúng hạn, vào tháng 4-2011 thì vốn điều lệ đạt 5.000 tỷ đồng. Hiện nay SHB đang thực hiện theo đúng tiến độ kế hoạch và không có trở ngại gì. Cùng trong tâm trạng rất phấn khởi, Tổng Giám đốc NH Đại Á Quách Công Phong (DaiABank) vui vẻ cho biết, NH Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận việc DaiABank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 đã được Đại hội đồng Cổ đông DaiABank thông qua. Trong đó, 2.000 tỷ đồng được bán cho cổ đông chiến lược và 100 tỷ đồng bán cho cán bộ, nhân viên DaiABank. Như vậy, phương án tăng vốn điều lệ xem như tạm ổn, ông Phong nói.
Chưa có trường hợp sáp nhập, hợp nhất
Có thể nói, đến thời điểm này, với các NH quy mô vốn nhỏ, nhất là những NH mà vốn điều lệ còn ở mức 1.000 tỷ đồng đã phần nào giải quyết được khó khăn đối với bài toán tăng vốn theo lộ trình đưa ra. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những NH nhỏ, việc tăng vốn đủ 3.000 tỷ đồng dù đã được các cổ đông nhất trí thông qua trong đại hội nhưng vẫn là ẩn số. Một số tổng giám đốc, giám đốc NH nhỏ vẫn khẳng định sẽ đáp ứng được vốn theo quy định nhưng bằng cách nào thì hầu hết đều từ chối trả lời.
Về vấn đề này, một giám đốc ngân hàng tiết lộ, kế hoạch tăng vốn là khó khăn khi cùng một lúc nhu cầu tăng vốn của toàn hệ thống tăng mạnh trong khi lợi nhuận kinh doanh của một số NH nhỏ chỉ đạt 1/3 so kế hoạch, bên cạnh đó tỷ lệ nợ xấu đang tăng khá cao (trên mức 5% cho phép) khiến cho việc mở rộng mạng lưới gặp khó khăn dẫn đến cổ phiếu kém hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, vị giám đốc này khẳng định “cổ đông lớn luôn xác định đầu tư NH là dài hạn nên sẽ huy động mọi “nguồn lực” để đáp ứng đủ yêu cầu vốn pháp định 3.000 tỷ đồng, vì đầu tư vào ngành này vẫn là lĩnh vực tiềm năng và khá an toàn”.
Theo thông báo của NH Nhà nước Việt Nam, đến nay đã có khá nhiều các NHTM đã trình phương án tăng vốn lên NH Nhà nước và hầu hết đã nhận được sự chấp thuận. Trong đó các NH như DaiABank, VietAbank, Saigonbank, SouthernBank, NamABank, GiaDinhBank, HDBank... đang triển khai kế hoạch tăng vốn lên trên 3.000 tỷ đồng. Theo nhận định của một cán bộ NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương, trên cơ sở xem xét hồ sơ tăng vốn của các NHTM thì đến nay chưa có trường hợp nào đề cập tới việc mua lại hay sáp nhập mặc dù khó khăn vẫn còn ở phía trước.
TRÚC HUỲNH