Nguyên tắc thiện chí, trung thực
Nguyên tắc thiện chí, trung thực được quy định tại Khoản 3, Điều 3 Bộ luật Dân sự: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”.
Nguyên tắc này được Bộ luật Dân sự quy định trên cơ sở tôn trọng quyền con người, quyền công dân đã được nêu rõ trong Hiến pháp 2013. Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác. Để thực hiện các quy định nêu trên của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự cụ thể hóa bằng việc đưa ra nguyên tắc thiện chí, trung thực khi cá nhân, pháp nhân tham gia giao dịch dân sự. Điều đó hoàn toàn phù hợp về lý luận cũng như về thực tiễn. Cá nhân, pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự bao giờ cũng mong đạt được mục đích là mang lại lợi ích cho bản thân, tổ chức của mình. Mục đích ấy luôn gắn liền với lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác khi cùng tham gia giao dịch dân sự. Do đó, cá nhân, pháp nhân phải tôn trọng lợi ích của các cá nhân và pháp nhân khác khi tham gia thực hiện các cam kết, thỏa thuận. Muốn thực hiện sự tôn trọng ấy, không có cách nào khác là cá nhân, pháp nhân phải thể hiện thái độ thiện chí, trung thực của mình trong các giao dịch dân sự.
Nội dung của nguyên tắc thiện chí, trung thực là cá nhân, pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải hợp tác, giúp đỡ nhau để xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Mỗi bên không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác, của Nhà nước và xã hội. Cùng với việc quan tâm, tôn trọng các lợi ích hợp pháp của người khác, các bên tham gia giao dịch dân sự còn phải tìm mọi biện pháp cần thiết để thực hiện các cam kết, thỏa thuận và hạn chế các thiệt hại gây ra cho nhau.
Tuy nhiên, để đánh giá tính thiện chí, trung thực của cá nhân, pháp nhân phải căn cứ vào thái độ và việc làm của họ trên thực tế, vào mục đích mà họ mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch dân sự. Thái độ bàng quang, thiếu trách nhiệm hoặc lừa dối không mong muốn thực hiện các cam kết, thỏa thuận của một bên là không phù hợp với cách ứng xử mà Bộ luật Dân sự quy định. Những biểu hiện của việc thực hiện cam kết, thỏa thuận không thiện chí, trung thực của các bên phải được chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể, xác thực.
Để thực hiện nguyên tắc thiện chí, trung thực của Bộ luật Dân sự, yêu cầu cá nhân, pháp nhân phải căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh, khả năng thực hiện các cam kết, thỏa thuận; phải có trách nhiệm với các cam kết, thỏa thuận của mình để đạt được mục đích chung khi tham gia các giao dịch dân sự. Khi xuất hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cam kết, thỏa thuận các bên phải cùng nhau bàn bạc tìm cách khắc phục trên tinh thần hợp tác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan Nhà nước khác khi giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, pháp nhân trong giao dịch dân sự cần phải khách quan, minh bạch đánh giá tính trung thực, thiện chí của các bên. Đồng thời hướng dẫn, định hướng cho các bên có thái độ thiện chí, trung thực, hợp tác khi có xung đột về mặt lợi ích hợp pháp giữa các bên.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/ KH-UBND ngày 13-3-2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.