Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác
Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 4, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Lợi ích quốc gia, dân tộc là những lợi ích quan trọng, gắn liền đến sự phát triển của đất nước và xã hội. Nó có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc. Lợi ích lớn nhất của quốc gia, dân tộc chính là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Vì thế, cá nhân và tổ chức phải tôn trọng và bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc. Không cá nhân, pháp nhân nào được xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc khi tham gia các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, lợi ích của quốc gia, dân tộc luôn gắn liền với lợi ích công cộng, lợi ích của mỗi thành viên trong xã hội. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc phải đi liền với lợi ích của mọi người. Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; Điều 11: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị. Xuất phát từ tầm quan trọng của lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của công dân mà Bộ luật Dân sự 2015 đề ra nguyên tắc này.
Nội dung của nguyên tắc này thể hiện: Trong giao dịch dân sự, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự là nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của cá nhân, pháp nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận để thỏa mãn các nhu cầu trên, cá nhân và pháp nhân không được tùy tiện, mà phải chú ý đến các lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác. Nói cách khác, cá nhân, pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải trong giới hạn của pháp luật; quyền của cá nhân, pháp nhân luôn bị giới hạn bởi lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền của cá nhân, pháp nhân khác. Việc xâm phạm đến các lợi ích này đều bị pháp luật dân sự cấm và nếu gây thiệt hại cho cá nhân, pháp nhân khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Mặc dù vậy, pháp luật dân sự nước ta quy định những trường hợp tham gia giao dịch dân sự, có hành vi xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, pháp nhân khác được bảo vệ hoặc gây thiệt hại cho cá nhân, pháp nhân khác không phải bồi thường do thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn.
Để thực hiện nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác khi tham gia các giao dịch dân sự yêu cầu cá nhân, pháp nhân phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, luôn coi lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng là trên hết. Bên cạnh đó, phải chú ý đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác. Khi gặp các giao dịch dân sự xâm phạm đến các lợi ích này pháp nhân, cá nhân phải từ chối cam kết, thỏa thuận. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các tranh chấp giao dịch dân sự phải xem xét một cách thấu đáo giao dịch dân sự mà cá nhân tham gia có xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, công cộng hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân khác hay không, tránh tình trạng đánh giá không đúng, gây thiệt hại cho họ.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/ KH-UBND ngày 13-3-2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.