Các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015

Cập nhật: 22-10-2016 | 09:11:02

Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự

Nguyên tắc này quy định tại khoản 5, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”.

Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự là nguyên tắc đặc thù của Bộ luật Dân sự. Cơ sở đề ra nguyên tắc căn cứ vào Điều 15 của Hiến pháp 2013. Hiến pháp quy định: “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”. Hiến pháp còn quy định ở nước ta, quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Những quy định trên thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật gây thiệt hại phải được xử lý và buộc bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, xã hội, công dân. Đây là quan điểm mang tính xã hội, pháp lý rất cao, thể hiện quyết tâm của Nhà nước xây dựng một đời sống dân sự lành mạnh, bình đẳng và cùng có lợi.

Nội dung của nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự thể hiện: Cá nhân pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải tự mình tham gia và tự chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận giữa các bên. Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý, nhưng trước tiên là trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân khi thực hiện hành vi của mình về những cam kết, thỏa thuận và sau đó là trách nhiệm của họ trong trường hợp vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho người khác. Trách nhiệm này có thể là trách nhiệm vật chất hoặc tinh thần. Nói cụ thể là cá nhân, pháp nhân phải thực hiện đúng các nghĩa vụ dân sự phát sinh trên cơ sở đã cam kết, thỏa thuận. Nghĩa vụ này có thể là việc phải thực hiện hay không được thực hiện những hành vi cụ thể để bảo đảm lợi ích cho bên kia. Việc vi phạm nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân dẫn tới gây thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho bên kia, thì chính bản thân cá nhân, pháp nhân phải đứng ra gánh chịu trách nhiệm. Trong trách nhiệm dân sự, trách nhiệm vật chất là quan trọng nhất. Trách nhiệm vật chất bắt buộc cá nhân, pháp nhân phải bồi thường cho bên bị thiệt hại một khoản tiền tương đương với thiệt hại đã gây ra bằng chính tài sản của mình. Trách nhiệm dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ được pháp luật thừa nhận khi cá nhân, pháp nhân vi phạm thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ có thể bị cưỡng chế thi hành.

Để thực hiện nguyên tắc này, cá nhân pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự phải xem xét các điều kiện, khả năng của mình, nhất là các điều kiện về mặt tài sản, chuyên môn và các điều kiện khác có thể thực hiện được các cam kết, thỏa thuận hay không. Nếu xảy ra vi phạm cá nhân, pháp nhân phải tự mình khắc phục hậu quả với thái độ thiện chí, trung thực. Tuy nhiên, khi đánh giá về việc vi phạm các nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân dẫn đến trách nhiệm dân sự, các cơ quan tố tụng là Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan Nhà nước khác phải cân nhắc các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, trên cơ sở đó xác định trách nhiệm cho phù hợp hoặc miễn trừ trách nhiệm cho bên vi phạm theo đúng pháp luật.

Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/KH-UBND ngày 13-3- 2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=961
Quay lên trên