Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương năm 2025

Thứ hai, ngày 13/01/2025

(BDO) Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, triển khai Quy hoạch tỉnh, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. 

Dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, những cơ hội và thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức khó lường sẽ tác động đến Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, năm 2025 được xác định sẽ là một năm đầy thách thức đối với ngành Công thương. 

Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, tổng kết ngành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Sở Công thương Bình Dương. Ảnh: Kim Cúc

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh giao, ngành Công thương Bình Dương ban hành kế hoạch của ngành trong năm 2025 với các nội dung trọng tâm sau:

1. Phát triển nhanh, hiệu quả thương mại dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ chất lượng cao, logistics, thương mại điện tử, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị, nâng cao tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tái cơ cấu ngành thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ, số hóa và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và hệ sinh thái toàn cầu và khu vực. Phát triển hạ tầng logistics hiện đại, chú trọng các dự án thương mại cao cấp phục vụ công nghiệp và đô thị (như trung tâm thương mại, khu thương mại tự do, siêu thị, các khu triển lãm, trưng bày hội chợ, các chợ đầu mối nguyên vật liệu và sản phẩm các ngành hàng chủ lực của tỉnh). Thí điểm mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường. Đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất - nhập khẩu 9 - 10%/năm. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng… Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, tìm kiếm hệ thống phân phối, mở rộng thị phần thông qua các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

2. Phát triển công nghiệp, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, thu hút đầu tư vào công nghệ cao như chíp bán dẫn, năng lượng sạch, và trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu IIP năm 2025 tăng trên 9,7%. Phát triển mạng lưới khu, cụm công nghiệp phù hợp, đặc biệt là công nghiệp xanh, sinh thái, tăng nội địa hóa ở công nghiệp hỗ trợ và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao (bao gồm các nhóm ngành như: máy móc, thiết bị công nghiệp; thiết bị điện tử viễn thông; điều khiển từ xa; thiết bị vi mạch tích hợp, chíp điện tử, vật liệu mới; công nghiệp và kỹ thuật hóa học; dược phẩm và hóa mỹ phẩm...), tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và các ngành tiềm năng như chíp bán dẫn, đổi mới sáng tạo,... Triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình nhà máy thông minh trong khu/cụm công nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công, tạo động lực phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong tình hình mới.

Phát triển cụm công nghiệp là một trong những nhiệm vụ tập trung năm 2025 của ngành Công thương Bình Dương. Ảnh: Sưu tầm

3. Tập trung hỗ trợ tốt việc đầu tư, phát triển hạ tầng năng lượng. Tiếp tục triển khai cải tạo, đầu tư phát triển lưới điện trung thế và trạm biến áp theo quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, dự án điện, bàn giao và đưa vào sử dụng. Khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng mới thân thiện với môi trường như điện mặt trời, điện đồng phát, điện sinh khối, cung cấp một phần nhu cầu năng lượng xanh cho công sở, nhà dân và các nhà máy trong các KCN, CCN thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch khác, đảm bảo phát triển theo định hướng xanh, thông minh và bền vững cũng như thu hút các nhà đầu tư có nhu cầu cấp chứng chỉ xanh để thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm. Triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả, giúp giảm tải cho hệ thống lưới điện, nâng cao hiệu quả sử dụng điện

4. Tiếp tục triển khai các quy hoạch, đề án, kế hoạch, của Sở trong năm 2025 như: Kế hoạch chuyển đổi số ngành Công thương, Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp”, các phương án phát triển của ngành Công thương được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5. Tập trung nguồn lực, đảm bảo thực thi hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính và quản trị văn phòng, nâng cao chất lượng tham vấn cá nhân và tổ chức về thủ tục hành chính một cách có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ và nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn của công chức viên chức. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tính công khai, minh bạch. Thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh thành điểm nóng; tập trung xử lý các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Hy vọng với những kết quả đạt được trong năm 2024, cùng với truyền thống đoàn kết, năng động, tận tâm trong công việc, tập thể công chức, viên chức và người lao động ngành Công thương sẽ khắc phục khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn trong năm 2025.

Kim Cúc – Văn phòng Sở