Các loài voi rừng ở châu Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/1 do "Sáng kiến bảo vệ voi" tổ chức, Bộ trưởng Môi trường các nước châu Phi cho biết loài voi rừng châu Phi đang bị đe dọa tuyệt chủng do sự gia tăng các mối đe dọa liên quan đến biến đổi khí hậu, tình trạng mất môi trường sống, săn bắn trái phép và xung đột giữa các cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Bộ trưởng Môi trường Nigeria Sharon Ikeazor, việc áp dụng những biện pháp can thiệp mạnh mẽ để cứu tính mạng của những con voi rừng châu Phi còn sót lại là rất cần thiết vì chúng là một phần trong di sản động vật của lục địa này.
Bà Ikeazor nêu rõ cần phải có những hành động quyết liệt để cứu loài voi trên vì chúng đang đối mặt với nhiều mối đe dọa như mất môi trường sống, dịch bệnh, nạn săn bắn trái phép và sức ép liên quan đến sự gia tăng dân số của loài người.
Cũng theo Bộ trưởng Môi trường Nigeria, việc mở rộng các khu bảo tồn, tăng cường giám sát, sự tham gia của các cộng đồng và thực thi pháp luật là những yếu tố then chốt để đảm bảo sự sinh tồn của loài voi rừng châu Phi.
Cũng về vấn đề này, Bộ trưởng Lâm nghiệp, Đại dương, Môi trường và Biến đổi khí hậu Gabon, Lee White cho rằng tình trạng môi trường sống xuống cấp cùng với nạn săn bắn trái phép, các cuộc xung đột và các hiện tượng khí hậu cực đoan đã làm gia tăng mối đe dọa đối với sự tồn tại của loài voi rừng châu Phi.
Ông White kêu gọi thực hiện các biện pháp can thiệp bao gồm mở rộng độ che phủ của rừng, cải thiện các thông lệ về sử dụng đất và khuyến khích các cộng đồng dân cư địa phương bảo vệ cũng như ngăn chặn sự suy giảm về số lượng của loài động vật này.
Theo Bộ trưởng Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Cameroon Jules Doret Ndongo, việc bảo vệ loài voi rừng châu Phi là yêu tố then chốt để duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái và thu nhập ngoại hối từ ngành du lịch.
Hồi năm ngoái, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) tuyên bố voi rừng châu Phi có nguy cơ cao bị tuyệt chủng do chúng bị săn bắn trái phép để lấy ngà và bị mất môi trường sống tự nhiên một cách nhanh chóng.
Còn theo Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã châu Phi có trụ sở tại Nairobi (Kenya), hơn 60% dân số của loài động vật nói trên đã bị săn bắn bất hợp pháp trong thập kỷ qua./.
Theo TTXVN