Các nước siết quản lý Internet

Cập nhật: 22-10-2012 | 00:00:00

Internet ra đời đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành công nghệ thông tin, tạo sự kết nối chặt chẽ hơn trong xã hội, giữa các nước và giữa các nền văn minh khác nhau. Nó đã hình thành một thế giới ảo mang tính toàn cầu. Không ai phủ nhận tác động tích cực của Internet nhưng những mặt trái của nó đã khiến nhiều nước đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ.

Internet bị lợi dụng

Freedom House, một tổ chức giám sát độc lập về tự do Internet trong báo cáo hàng năm đã tự cho mình quyền đưa ra các tiêu chí tự do Internet, từ đó xếp hạng các nước từ cao xuống thấp. Pakistan và Ai Cập được Freedom House xem là hai nước “thụt lùi nhất” về tự do Internet trong năm 2012 so với năm 2011.

  Tội phạm Internet ngày càng đáng báo động.Tuy nhiên, có một vấn đề Freedom House không biết hay cố tình không biết, đó là dù Internet có tự do như thế nào đi nữa nhưng nó vẫn phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Vì vậy, tùy theo luật pháp từng nước mà việc sử dụng Internet sẽ có những quy định riêng phù hợp.

Tại những nước Hồi giáo, việc báng bổ quốc giáo là trọng tội, vì vậy sẽ không có gì lạ nếu như Iran, Pakistan và Ai Cập tăng cường kiểm duyệt và giám sát các trang web liên quan đến tội trạng này, thậm chí trong trường hợp nặng, người vi phạm có thể nhận án tử hình.

Ngoài ra, trong bối cảnh hậu “Mùa xuân Ảrập”, các nước cảm thấy bất an trước các công cụ truyền thông như mạng Twitter (mạng xã hội mà người dân Ai Cập đã sử dụng để tập hợp biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak) nên phải gia tăng kiểm soát.

Iran là một ví dụ. Ngoài tác động của “Mùa xuân Ảrập”, nước này đang bị Mỹ và phương Tây siết chặt vòng vây cấm vận và tăng cường các chiến dịch kích động từ bên trong, Tehran không còn cách nào hơn, cắt giảm sử dụng Internet toàn cầu và thiết lập kiểm soát chặt chẽ mạng nội bộ.

Thái Lan đang tăng cường nỗ lực kiểm duyệt và chi tiêu thêm ngân quỹ khi tội “khi quân” ngày càng tăng trên Internet.

Luật hóa các vấn đề trên mạng

Nằm trong tiến trình luật hóa Internet, Tổng thống Philippines Beniqno Aquino vừa ký ban hành luật kiểm soát các trang web độc hại lẽ ra bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3-10-2012. Thế nhưng, do sự phản đối từ những người sử dụng Internet, tòa án tối cao nước này đã phải ra phán quyết ngừng thi hành luật đến ngày 15-1-2013 và sẽ tổ chức các phiên điều trần giữa chính phủ và những người chống đối.

Bộ trưởng Tư pháp Philippines Leila de Lima cho biết chính phủ sẽ thực hiện theo lệnh của tòa án nhưng khẳng định Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục cuộc vận động “cho một không gian mạng an toàn và ngăn chặn tội phạm có tổ chức”. Ngoài các tội danh mang tính chất hình sự, tội vu khống hoặc phỉ báng đang khiến nhiều người sử dụng Internet ở Philippines và nhiều nước tỏ ra khá lúng túng khi xử lý. Trong luật mới của Philippines có các bản án tù khá nặng nề với tội phỉ báng trực tuyến.

Tương tự, dự luật cũng gây tranh cãi vì điều này đồng nghĩa với việc chính phủ phải theo dõi các hoạt động trực tuyến, chẳng hạn như các cuộc hội thoại video và tin nhắn nhanh, mà không có lệnh của tòa án. Một nhóm các blogger Philippines đang tự gọi mình là Liên minh Tự do Internet Philippines, kêu gọi quốc hội thay thế luật của chính phủ bằng một luật khác trong đó đề cao tự do ngôn luận.

Trong khi đó, một nhóm mang tên “Tăng cường trách nhiệm xã hội trên Internet” lại đang vận động tòa án và Quốc hội Philippines giữ nguyên luật nói trên. Alex Deita, người phát ngôn nhóm này phát biểu với báo chí Philippines rằng: “Nhiều tội phạm mạng đang được hưởng sự tự do, thoát khỏi trách nhiệm pháp lý và trừng phạt vì không có pháp luật dành cho hành vi phạm trọng tội của họ”.

Năm 2000, New Delhi ban hành luật công nghệ thông tin và sửa đổi vào năm 2008 để phù hợp với các vấn đề hiện tại trong không gian mạng. Tội phạm tin học, chẳng hạn như khiêu dâm trẻ em, hành vi trộm cắp danh tính, gian lận Internet và phá hoại tài sản hoặc dữ liệu bất hợp pháp ở Ấn Độ, thủ phạm phải đối mặt với cả hai hình phạt dân sự và hình sự khi họ bị bắt.

Ví dụ, một người cố tình gửi virus trực tuyến sẽ bị kết án là tội phạm mạng, một người chuyển tiếp email mà không nhận ra nó có chứa virus hoặc lây lan virus khi tài khoản của mình bị hack là không có tội. Ấn Độ có luật lệ riêng biệt về tội phạm mạng, nhưng người vi phạm bị truy tố theo luật hình sự Ấn Độ, IPC, thay vì Luật Công nghệ Internet năm 2000.

Tại Nga, Hội đồng Liên bang - Thượng viện Quốc hội Nga hồi tháng 7 đã thông qua đạo luật mới về vu khống. Trước đây xem đó là vi phạm hành chính, còn bây giờ được đưa trở lại Bộ luật Hình sự. Đạo luật mới đã thu hút cuộc tranh luận không chỉ trong giới nghị sĩ của lưỡng viện quốc hội, mà cả các chuyên viên và cộng đồng blogger.

Theo đạo luật này, việc “truyền bá những thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm hoặc làm tổn hại danh tiếng của người khác” là một tội hình sự và bị trừng phạt bằng tiền lên đến 5 triệu rúp (tương đương 150.000 USD).

Tại Hoa Kỳ, thời hạn giam tội nhân vu khống có thể lên đến 10 năm. Ở Pháp, tội nhân vu khống chỉ bị tù 5 năm, nhưng thường là cùng với án tù giam, đối tượng còn bị cấm không được tham gia vào một số loại hình hoạt động nghề nghiệp nhất định.

Còn ở Đức cũng quy định thời gian tù tối đa 5 năm cho những kẻ vu khống chính quyền đương nhiệm và bằng hành động đe dọa giá trị toàn vẹn của nhà nước. Có quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản, quy định hình phạt với cả tội vu khống những người chết, chứ không chỉ riêng vu khống người đang sống.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=365
Quay lên trên