Các siêu thị, trung tâm thương mại: Nỗ lực để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng

Cập nhật: 09-04-2011 | 00:00:00

Phản ứng “dây chuyền” sau khi giá xăng, dầu tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu, dịch vụ đã thiết lập mặt bằng giá mới so với đầu tháng 3-2011. Trước tình hình này, các siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) đang nỗ lực hết mình trong đàm phán với nhà cung cấp hàng hóa và tìm đến nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để chia sẻ bớt khó khăn cùng người tiêu dùng (NTD). 

 Nhiều mặt hàng tăng giá

Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TX.TDM, TX.Thuận An cho thấy, giá bán lẻ hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa mỹ phẩm gia dụng, thực phẩm chế biến... đều đã tăng giá. Giá thịt heo tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, thịt gà, vịt cũng tăng 5.000 đồng/kg, thậm chí giá trứng gà tăng lên 1.000 đồng/10 quả.

  Hàng hóa tại siêu thị luôn thu hút người tiêu dùng

Ngoài thịt gia súc, gia cầm, mặt hàng rau củ, quả được vận chuyển từ Đà Lạt về chợ Bình Dương cũng tăng giá thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thực phẩm, rau củ tăng được nhiều người bán hàng tại chợ Bình Dương cho rằng, do ảnh hưởng của giá xăng tăng.

Công ty San Miguel Pure Food đã chính thức thông báo, từ ngày 1-4, các sản phẩm của đơn vị tăng 5 - 10%; các mặt hàng sữa bột Vinamilk cũng tăng giá 5%. Đối với loại hình dịch vụ vận tải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh chi nhánh Bình Dương Tô Văn Tuynh cho biết, từ đầu tháng 4, giá cước của Mai Linh đã tăng từ 14.000  đồng/km lên mức 15.000 đồng/km, đối với xe 7 chỗ tức khoảng 10% so với trước đó.

Ngoài ra, các loại đồ khô, phụ gia và mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đóng hộp Vissan, cũng tăng giá từ 10 - 20% so với thời điểm cuối tháng 3, như mì gói các loại tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/thùng. Một số mặt hàng có mức tăng giá khá lớn như dầu ăn tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/lít; gas điều chỉnh tăng 5.000 đồng/bình 12kg.

Hiện nay, mặt hàng thủy - hải sản tươi sống đang giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc tăng giá. Tại nhiều chợ bán lẻ ở Bình Dương, giá tôm sú (loại lớn) giá 280.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; cá thu 140.000 đồng/kg. Chị Diễm, tiểu thương tại chợ Lái Thiêu (TX.Thuận An) cho rằng, do thời tiết không thuận lợi, chi phí đánh bắt tăng cao, giá các mặt hàng tăng trực tiếp từ đầu mối cung cấp, kéo theo giá bán tại các chợ cũng tăng vọt. Cụ thể là chỉ trong vòng 4 ngày cuối tuần trước, các loại cá biển như cá bạc má đã tăng lên 20.000 đồng/kg.

Siêu thị nỗ lực kìm giá

Khác với các chợ lẻ, chợ truyền thống, các siêu thị và TTTM bao giờ cũng tăng giá chậm hơn do có nguồn hàng dự trữ dồi dào, nguồn cung cấp ổn định và đặc biệt nhờ có các chương trình bình ổn giá của Nhà nước. Vì vậy, thời gian qua giá cả tại các siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay thì việc điều chỉnh tăng giá là khó tránh khỏi.

Giám đốc Co.opmart Bình Dương Võ Hữu Thạch cho biết, trong giữa tháng 4 tới đây, các mặt hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, nước giải khát, dụng cụ gia đình, sữa... bày bán tại siêu thị sẽ phải điều chỉnh tăng giá khoảng 10 - 15%, một số mặt hàng nhập khẩu còn tăng giá đến 20%. Những nhà cung cấp đăng ký thực hiện bình ổn giá, cũng điều chỉnh tăng giá bán như: Công ty Vissan đã tăng giá thịt heo, bò, lên khoảng 10% so với cuối tháng 3. Hiện tại, Co.opmart đã nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp, cố gắng kìm giá, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận để có được những chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm chia sẻ khó khăn với NTD, việc điều chỉnh giá sẽ được thực hiện theo lộ trình cho từng nhóm mặt hàng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá cả đầu vào tăng cao, chi phí tăng nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm giữ giá bán cũ cho đến khi hết nguồn hàng dự trữ. 

Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex Bình Dương Lê Hồng Phương cho biết, giá một số nhóm hàng tại siêu thị đã tăng 10%. Siêu thị cũng là nhà bán lẻ, chịu áp lực tăng giá chung của thị trường. Trước tình hình này, phía siêu thị cũng đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm có nguồn hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân sách Nhà nước để có thể chủ động ký kết mua hàng với số lượng lớn ở mức giá hợp lý. Điều này giúp siêu thị ổn định giá bán, hạ đến mức thấp nhất các yếu tố gây sốc về giá cho NTD trong suốt thời gian siêu thị tham gia bình ổn giá trong năm 2011, ông Lê Hồng Phương nói.

TRÚC HUỲNH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên