Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Cập nhật: 25-05-2019 | 09:18:23

Trật tự quản lý kinh tế là những quy định của Nhà nước về chế độ, nguyên tắc, chính sách trên các lĩnh vực sản xuất, lưu thông kinh doanh hàng hóa, quản lý tài chính, tiền tệ, tài nguyên, quản lý đất đai và bảo vệ rừng… Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã xâm phạm đến các lĩnh vực quản lý kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) quy định có 3 nhóm tội: Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại; các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; các tội khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Người phạm tội là cá nhân, tổ chức, pháp nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế ở các mức độ khác nhau với mục đích vụ lợi, tùy theo từng tội danh. Hành vi phạm tội được thể hiện có thể là dạng hành động hoặc không hành động và đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân hoặc cho từng ngành, lĩnh vực nhất định. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

Trong nhóm tội này, chúng tôi giới thiệu 3 tội thường xảy ra là Tội sản xuất, buôn bán hàng giả, Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và Tội vi phạm các quy định về kinh doanh đa cấp.

1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192)

Sản xuất hàng giả, được hiểu là hành vi làm (tạo) ra những sản phẩm, hàng hóa có nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa giống như những sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường, gây nhầm lẫn hoặc để lừa dối khách hàng hoặc làm ra những sản phẩm hàng hóa giả chất lượng hoặc công dụng.

Buôn bán hàng giả, được hiểu là hành vi mua hàng biết rõ là hàng giả với giá rất rẻ và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho khách hàng với giá của hàng thật. BLHS 2015 quy định 2 tội: Tội sản xuất hàng giả và Tội buôn bán hàng giả.

Đối với các tội sản xuất hàng giả: Hành vi sản xuất ra các loại hàng giả làm cho người mua bị nhầm lẫn hoặc để lừa dối người mua nhằm thu lợi bất chính. Cần lưu ý, hành vi làm hàng giả phải nhằm làm cho người bị nhầm lẫn (việc người mua biết được hàng giả là ngoài ý muốn của người phạm tội). Điểm này phân biệt với việc làm hàng giả có tính chất bắt chước hàng thật phục vụ nhu cầu của người mua như làm răng giả (dùng trong nha khoa), hoa giả…; hành vi làm hàng giả là để thu lợi bất chính. Đây là đặc điểm cơ bản không thể thiếu vì sản xuất hàng giả chi phí thấp nhưng tiêu thụ dễ và thu lợi cao (do hàng thật bị làm giả thường là hàng hóa có uy tín, có giá trị và mãi lực cao trên thị trường); việc sản xuất hàng giả phải trái phép, tức là việc sản xuất đó không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với tội buôn bán hàng giả: Hành vi mua hàng giả là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để đổi lấy sản phẩm, hàng hóa mà người mua biết đó là hàng giả để bán lại nhằm thu lợi bất chính; hành vi bán hàng giả, là hành vi dùng sản phẩm, hàng hóa mà người bán biết rõ là hàng giả đưa ra thị trường để đổi lấy tiền, tài sản hoặc các giấy tờ có giá trị như tiền để thu lợi bất chính.

Về hình phạt: Có 4 khung, cụ thể như sau: Khung 1, phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định ở khoản 1, Điều 192, BLHS 2015 (nhưng không thuộc các tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi).

Cụ thể: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 192 hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của BLHS 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này mà còn vi phạm; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2, phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, đối các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; buôn bán qua biên giới; tái phạm nguy hiểm.

Khung 3, phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, đối với các trường hợp: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên; thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 (các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l, và m) Điều 192, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của BLHS 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. (còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1807
Quay lên trên