Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên: Chú trọng giáo dục văn hóa và hướng nghiệp

Thứ sáu, ngày 03/01/2025

(BDO) Thời gian qua, hệ thống Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục và hướng nghiệp cho học viên. Các trung tâm đã trở thành những địa chỉ tin cậy cho các bậc phụ huynh cũng như học viên lựa chọn vào học sau khi học xong bậc THCS.

 Một tiết học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh

 

 Tích cực đổi mới

Toàn tỉnh hiện có 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Bồi dưỡng nghiệp vụ (GDTX&BDNV) tỉnh cùng 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở các huyện, thành phố. Thời gian qua, các trung tâm đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học các môn văn hóa, đặc biệt trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2024-2025, Trung tâm GDTX&BDNV tỉnh có khoảng 2.000 học viên đang theo học. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu, trung tâm đã đổi mới phương pháp dạy học. Cụ thể là giáo viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từ đó nâng cao hiệu quả học tập của học viên.

Thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên dạy môn địa lý tại Trung tâm GDTX&BDNV tỉnh, cho biết đối với các học viên tại trung tâm, nội dung học văn hóa cũng tương tự các trường THPT. Tuy nhiên, học viên của trung tâm có đặc thù là chuẩn đầu vào thấp, nên việc giảng dạy chương trình mới gặp không ít khó khăn. “Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên luôn cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tích cực, nhằm giúp các em hứng thú trong mỗi giờ học”, thầy Thắng cho biết.

Theo thầy Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm GDTX&BDNV tỉnh, bên cạnh chú trọng cải thiện chất lượng dạy học văn hóa, trung tâm còn tăng cường các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho học viên nhằm tạo dựng môi trường học tập thân thiện.

Để giúp các Trung tâm GDNN-GDTX nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT, lãnh đạo các trung tâm, các trường THPT luôn tạo điều kiện cử giáo viên giảng dạy hệ GDTX tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chương trình mới. Tiếp tục phát huy năng lực, vai trò nòng cốt của đội ngũ tham gia Hội đồng chuyên môn - Nghiệp vụ cốt cán GDTX cấp tỉnh; triển khai các hoạt động thao giảng cụm, chia sẻ kinh nghiệm trong khối... Qua đó, hoạt động của hệ thống Trung tâm GDNN-GDTX đã và đang đem lại hiệu quả nhất định, thu hút số lượng học viên tăng đều mỗi năm. Việc các Trung tâm GDNN-GDTX có được kết quả tuyển sinh ổn định nay được xem là hiệu quả của công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS.

Vẫn còn khó khăn

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động GDTX luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Các trung tâm đã nỗ lực duy trì, củng cố và phát triển tốt mô hình học văn hóa kết hợp học nghề nhằm thực hiện công tác phân luồng học sinh sau THCS… Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các trung tâm này vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

Cụ thể, năm học 2024-2025, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bàu Bàng được thành lập và đi vào hoạt động với 11 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 319 học viên khối 10 được chia làm 7 lớp. Đến nay, trung tâm này vẫn chưa có cơ sở riêng để học tập mà phải mượn của Trường THPT Bàu Bàng để học tạm, trong khi chờ xây dựng cơ sở mới.

Trong khi đó, một số Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thành phố, khi có cơ sở riêng nhưng so với quy mô, nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất các trung tâm chỉ mới đáp ứng cơ bản việc giảng dạy lý thuyết; các điều kiện khác như thư viện, phòng học bộ môn, thực hành… chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới. Chính những khó khăn này mà nhiều cơ sở chỉ thực hiện nhiệm vụ về GDTX và liên kết dạy nghề, không phát huy được chức năng trong hoạt động GDNN.

Tuy nhiên, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các Trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh đã nỗ lực triển khai theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng gắn việc giáo dục văn hóa với dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, bảo đảm việc học tập suốt đời cho mọi đối tượng, đáp ứng sự phát triển của xã hội.

Tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,63%

 Bình Dương hiện có 1 Trung tâm GDTX&BDNV tỉnh, 7 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện (gọi chung là các trung tâm GDTX). Các Trung tâm GDTX đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình GDTX theo quy định. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệtốt nghiệp của khối GDTX đạt 99,63%.

Với chức năng của mình, một số Trung tâm GDTX đã thực hiện tốt việc liên kết dạy chương trình GDTX cấp THPT với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn.

 

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Dầu Tiếng phối hợp tổ chức tuyên truyền luật giao thông và kỹ năng lái xe an toàn cho học viên. Năm học này Trung tâm GDNN-GDTX huyện Dầu Tiếng có 1.126 học viên đang theo học

 

 TUỆ NHI