Các vụ chìm tàu du lịch: Bài học đắt giá

Cập nhật: 27-05-2011 | 00:00:00

Hồi chuông báo động về chất lượng an toàn phương tiện giao thông đường thủy đã được gióng lên từ vụ chìm tàu du lịch ở Hạ Long khiến 12 người thiệt mạng.

Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau, một vụ tai nạn đường thủy cướp đi sinh mạng của 16 người lại xảy ra với tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn. Tai nạn bất ngờ là điều khó tránh nhưng thương vong có thể được ngăn chặn nếu công tác quản lý được siết chặt.

Tàu du lịch biển đảo, đường sông hiện vẫn chưa được kiểm tra và quản lý chặt chẽ.

Lỗi từ khâu đào tạo

Du lịch biển đảo, đường sông của nước ta hiện chiếm khoảng 70% trong hoạt động du lịch và được xem là một trong năm hướng đột phá của ngành giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, vấn đề an toàn khi tham gia giao thông đường thủy lại bị coi nhẹ.

Điều dễ nhận thấy là các vụ tai nạn tàu thuyền đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của con người cũng như vấn đề bảo đảm an toàn một cách tốt nhất đối với dịch vụ mình đang khai thác chưa được coi trọng. Nếu mỗi tàu thuyền đều được trang bị đầy đủ phao cứu hộ, áo phao, phương tiện bảo đảm an toàn, tuyển dụng thuyền trưởng có đủ kinh nghiệm và trách nhiệm, nhân viên phục vụ trên thuyền có đủ kiến thức cũng như kỹ năng cứu hộ khi gặp sự cố thì hậu quả sẽ không nghiêm trọng đến thế. Thế nhưng, ngay cả sinh viên chuyên ngành du lịch, những người trực tiếp phục vụ trong ngành "công nghiệp không khói" cũng không được trang bị kiến thức về cứu hộ, cứu đuối hoặc những biện pháp ứng phó trên các tàu thuyền du lịch từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Một cựu sinh viên Khoa Du lịch (Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong các tiết học, phần lớn thầy cô chỉ dạy về cung cách phục vụ làm sao để du khách hài lòng, hoặc chỉ dẫn du khách những nơi thiếu an toàn cần phải tránh chứ chưa bao giờ đề cập đến việc phải đối phó trước các tai nạn sông nước xảy ra trên mỗi hành trình. Thậm chí, những học viên tham gia khóa đào tạo cấp chứng chỉ hướng dẫn viên cũng chỉ được trang bị các kiến thức như: tâm lý khách du lịch, tuyến điểm du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn viên, giao tiếp ứng xử trong du lịch… Còn kiến thức về cứu hộ, cứu nạn trên tàu thuyền họ đều không được học mà coi đó là trách nhiệm của chủ tàu. "Không được trang bị các kiến thức ứng cứu nên khi tai nạn xảy ra, không những không giúp được du khách mà chính hướng dẫn viên cũng trở thành nạn nhân", cựu sinh viên này nhấn mạnh.

Hình ảnh dễ nhận thấy trên mỗi chuyến bay, sau khi yêu cầu hành khách thắt dây an toàn, các tiếp viên hàng không hướng dẫn tỷ mỷ từng bước sử dụng phương tiện cứu sinh. Còn trên mỗi chuyến tàu, thuyền, phần lớn nhân viên đã bỏ qua khâu hướng dẫn du khách ứng phó khi tai nạn bất ngờ xảy ra. Thậm chí, ngay khi sự cố xảy ra với tàu Dìn Ký, nhân viên phục vụ trên tàu đáng nhẽ phải nhanh chóng hướng dẫn du khách lấy phao cứu sinh thì lại đóng kín hết cửa trên tàu, hô hoán, rồi "mạnh ai nấy chạy". Đến khi tàu chìm, chỉ có thuyền viên và nhân viên phục vụ thoát thân.

… đến cơ chế quản lý

Quy định thế nào là tàu chở hàng hóa, vận chuyển khách thông thường hay tàu du lịch chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ. Chỉ cần được đăng kiểm là trở thành tàu du lịch. Thậm chí, bằng cấp dành cho người lái tàu chở hàng và tàu du lịch cũng không phân định cụ thể. Đáng nhẽ, những người lái tàu du lịch nắm giữ trong tay sinh mạng con người phải đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi cao hơn lái tàu thông thường. Ngoài bằng lái, họ cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, chứng chỉ cứu hộ cứu nạn nhưng ngành chức năng vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí này.

Trước thực tế trên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thẳng thắn thừa nhận, việc không có quy định rõ ràng, phân biệt giữa tàu du lịch và tàu thông thường là điều dở nhất của ngành du lịch. Chính vì vậy, nguyên nhân của việc tàu chìm không chỉ do lỗi của người nhà tàu mà còn do quản lý, được thể hiện ở công tác xây dựng quy chế, tiêu chuẩn lỏng lẻo.

Liên tiếp các vụ chìm tàu xảy ra trong thời gian qua là một bài học đắt giá đối với các nhà quản lý. Đã đến lúc họ cần đưa ra những biện pháp mạnh trong việc quản lý, kiểm tra chặt chẽ các phương tiện giao thông đường thủy, đặc biệt các tàu du lịch, nhà hàng nổi để tránh những sự việc thương tâm tái diễn.

Biện pháp trước mắt được ông Vũ Thế Bình cho biết, đó là quy định mới về vận chuyển ô tô và tàu thủy phục vụ khách du lịch sẽ sớm được công bố. Những nhân viên tham gia phục vụ trên các phương tiện này đều phải qua chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch và sau khi được cấp chứng chỉ, họ mới được hành nghề. Bên cạnh đó, quy chế đào tạo nghiệp vụ du lịch hiện đang được hoàn thiện, trong đó sẽ bổ sung thêm những tiết học về cứu hộ, cứu đuối.

Theo HNM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=304
Quay lên trên