Cách học của người mù

Cập nhật: 09-11-2010 | 00:00:00

Người xưa thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi con người nhìn thấy nhau, trao đổi với nhau những điều tuyệt vời nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với người mù (NM), họ dùng “đôi tay thay cặp mắt”, họ cố gắng học tập, vượt qua khiếm khuyết của bản thân, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

 Gian nan chuyện học chữ

Việc học chữ của NM để hòa nhập cộng đồng thật gian truân. Có nhiều thứ ngay cả người sáng mắt học còn khó khăn, nhưng nhiều NM đã kiên trì học, cố gắng vượt lên chính mình, như một điều kỳ diệu để học hòa nhập với cộng đồng.

  Học cách đọc chữ của người mù thật khóĐầu tháng 11-2010, chúng tôi đến với lớp học chữ Braille tại Hội NM tỉnh do cô Đặng Thị Thu Phương đứng lớp. Quan sát lớp học, chúng tôi thấy các em ngồi nghe giảng bài rất chăm chú, tiếng lách cách của những cây bút sắt đâm sâu vào từng trang bìa cứng, để tạo ra những trang viết chữ nổi. Thấy chúng tôi tò mò, cô Phương nhờ một em học sinh viết tặng chúng tôi bảng chữ cái gồm 25 chữ với những ký tự riêng, bảng chữ số từ 0-9. Mỗi chữ có một ký tự riêng nhưng không đi quá 6 chấm như một con xúc xắc (cách gọi của NM). Mỗi hàng dọc 3 chấm, mỗi chữ được quy ước bằng số chấm trong hệ thống 6 chấm.

“Em không nhìn thấy nhưng cũng cố gắng hết sức để có thể viết được, đọc được như các bạn. Các bạn có thể nhìn thấy và đọc được thì em sẽ sờ từng chữ và đọc như các bạn, em chỉ mong muốn có một điều những bạn sáng mắt đừng chê chúng em mù. Hãy cho chúng em được yêu thương, được bình đẳng như những bạn khác”, những lời tâm sự của em Hà Thị Phương Trinh giống như những lời tuyên ngôn cho số phận những học sinh như mình, khiến cho tôi càng thấy cảm động hơn...

Theo sự giải thích của cô Phương, NM học chữ nổi cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chương trình phổ cập văn hóa cho các em khiếm thị bằng phương pháp học chữ Braille nên số NM biết đọc, biết viết trong tỉnh đã tăng lên. Cụ thể là toàn tỉnh có 109/823 NM biết đọc, biết viết. Học chữ Braille cũng là nền tảng để các em có thể học được mát-xa từ sách dành cho NM. “Chỉ có học tập mới giúp NM tiếp cận được thông tin, xóa đi mặc cảm”, cô Phương nói. 

“Đôi tay thay cặp mắt”

Việc học chữ đã khó, việc học nghề của NM còn khó hơn gấp bội. Tại một lớp học bó chổi ở Hội NM Thuận An, nhìn thấy những vết dao cắt trên đôi tay đen sạm của anh Trương Văn Tô, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Anh Tô cho biết, lúc mới học nghề làm chổi, không biết thế nào là chổi tàu cau vì chưa bao giờ biết được hình dáng của nó. Tuy nhiên, nhờ thầy Trần Văn Chín chỉ rất tận tình bằng cách cầm tay chỉ từng chỗ nên dần dần anh hiểu được quy trình làm chổi. Ban đầu, chọn 5 tàu cau, xếp so le và bó lại với nhau, đo bằng, rồi cắt bỏ đi những phần thừa ra. Lấy ngón tay sờ sờ và dùng lóng tay đo để xác định vị trí để cột lạt. Tuy nhiên, khi cột lạt phải đều mới đạt yêu cầu.

Ông Trần Văn Chín - một người thầy dạy nghề bó chổi tàu cau ở Hội NM huyện Thuận An, cho biết: “Từ hơn 10 năm nay, tôi đã dạy nghề cho rất nhiều hội viên. Do không thấy được nhau nên chúng tôi dạy cho nhau bằng cách nắm tay chỉ việc. Nếu người bình thường học một là biết thì người mù phải học mười lần mới biết. Nhiều khi muốn giải thích một vấn đề nào đó cho các học viên hiểu, nhưng không biết giải thích ra sao”. Ông Chín nói, khi mới bắt đầu dạy, ông đã khóc, khóc vì không thể nào diễn tả cho các học trò của mình biết phải làm như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng, ông cũng tìm ra phương pháp tốt nhất.

Vượt khó tìm kiến thức

Chuyện NM học chữ, học bó chổi đã khó, nhưng có một việc học còn khó hơn thế nữa. Đó là việc NM học đánh máy vi tính. Lúc đầu tôi cũng không tin, nhưng khi nhìn thấy một em nhỏ ngồi đánh máy tính ở Hội NM huyện Thuận An một cách bình thường, tôi thật sự khâm phục. Theo giải thích của anh Hồ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội NM huyện Thuận An, đối với NM tìm đường đi đã khó, chứ chưa nói tìm một phím bấm nhỏ nhoi trên bàn phím. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống âm thanh hỗ trợ, các học viên đã vượt qua được những khó khăn trong lúc nhận diện bàn phím đó chỗ nào. Mặc dù NM học rất chậm nhưng siêng năng và biết cách vượt qua chính mình thì họ sẽ học được.

Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội NM tỉnh Bình Dương, tâm sự: “Tuy mất đi ánh sáng, nhưng những hội viên của hội rất siêng năng. Người ta thường nói lấy cần cù bù thông minh. Do đó, nhiều hội viên của hội đã lấy nghị lực làm niềm tin để vững bước”. Theo bà Khuyên, hiện nay, vì nhu cầu phải cập nhật công nghệ thông tin cho NM, nên hội đã cử cán bộ đi học, sau đó hướng dẫn lại cho hội viên. Cụ thể là đã có 2 lớp cho 20 cán bộ của hội theo học trong thời gian qua.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X