Cách mạng Tháng tám: Bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc

Cập nhật: 29-08-2022 | 07:49:33

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945 (từ ngày 13 đến 28-8-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc cho quốc gia dân tộc.

Bài 1: Nghệ thuật lãnh đạo tài tình của Đảng

Thành công của Cách mạng Tháng Tám chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, bất khuất có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược phong kiến và ngót một trăm năm chống ách thống trị của bọn đế quốc thực dân. Đó cũng là kết quả của 15 năm đấu tranh (1930-1945) của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, quan trọng là việc Đảng ta đã biết nhận định về thời cơ một cách chính xác và chớp lấy thời cơ.

Thời cơ chín muồi

Nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Mai Thanh Chí, một lão thành cách mạng ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), cho biết Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh tình thế cách mạng đã chín muồi. Trước tình hình cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai ngày càng lan rộng và trở nên khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941). Trung ương Đảng nhận định và dự đoán: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Đây là một bước cụ thể hóa thêm những dự đoán của Đảng ta về thời cơ của cách mạng Việt Nam.

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Và sau khi phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp độc chiếm Đông Dương, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Trung ương Đảng đã nhận định sáng suốt rằng, bây giờ tình hình đã có nhiều thuận lợi mới; đồng thời Trung ương Đảng cũng dự kiến những hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện tổng khởi nghĩa, như khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương đánh Nhật và quân Nhật kéo ra mặt trận ngăn cản quân Đồng minh, để phía sau lưng sơ hở thì đó là lúc phát động khởi nghĩa vô cùng thuận lợi. Hoặc cũng có thể là lúc “nếu cách mạng Nhật bùng nổ, chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940, và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”.

Như vậy về cơ bản, cho đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhận thức của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời cơ cách mạng, thời cơ của tổng khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc đã được định hình và thể hiện rất cụ thể trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là, để có thể nhận thức đầy đủ những điều kiện, những thời cơ của cách mạng ấy, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã phải trải qua một quá trình đấu tranh thực tiễn đầy gian khổ và tổng kết lý luận không ngừng, với sự hy sinh của biết bao chiến sĩ, đồng bào, trên cơ sở sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống đấu tranh của dân tộc, từ đó mà xây dựng nên lý luận cách mạng Việt Nam. Đó là điều kiện quan trọng nhất để những nhận thức về thời cơ và những dự đoán về thời cơ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn phù hợp với thực tiễn, với xu thế phát triển của hiện thực khách quan.

Chớp thời cơ cách mạng

Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Nhận thức rõ tính chất quyết định, ý nghĩa chiến lược của thời cơ khởi nghĩa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Cuộc khủng hoảng chính trịởĐông Dương đãđến tột độ. Phe phát xít thua trận, phát xít Nhật đãđầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chính phủbùnhìn Trần Trọng Kim hoang man cực độ. Đồng thời, ta đãxây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu. Thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất. Nhân dân ta không thểchịu đựng bịáp bức được nữa, quyết tâm chiến đấu đểgiành độc lập tựdo cho dân tộc, không khícách mạng sôi sục.

Nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Mai Thanh Chí, một lão thành cách mạng ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), cho biết Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh tình thế cách mạng đã chín muồi.

Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng; “đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, cách mạng phải chạy đua gấp rút với quân Anh, Mỹ trước khi chúng vào Đông Dương giải giáp quân phát xít, mượn danh nghĩa pháp lýđểchiếm nước ta.

Trong tình hình đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi, hội nghị quyết định: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Bác đãkhẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đãtới, dùhy sinh tới đâu, dùphải đốt cháy cảdãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.

Nhờ chủ động, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho phong trào cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng; hiểu biết sâu sắc về thời cơ cách mạng; dự báo chính xác, nắm bắt kịp thời và chớp thời cơ mau lẹ, tuy mới 15 tuổi và chỉ với hơn 5.000 đảng viên, vẻn vẹn trong vòng 15 ngày của mùa thu lịch sử năm 1945, Đảng ta đã lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc cho quốc gia dân tộc.

Bài học về tận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không ngừng được phát huy, phát triển trong các thời kỳ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang của toàn quân, toàn dân ta, lập nên Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 mang tầm cao thời đại… Và, trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, bài học về nắm bắt thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên ý nghĩa về lý luận, thực tiễn và tính thời sự sâu sắc, thể hiện rõ nét trong từng thành tựu của công cuộc đổi mới và trong mỗi bước phát triển của đất nước hôm nay. (Còn tiếp)

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=974
Quay lên trên