LTS: Bắt nguồn từ cội nguồn sâu xa, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên một nền văn hiến rực rỡ, một bản lĩnh kiên cường, được trải nghiệm qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Từ nhà nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng đến nhà nước XHCN Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh, con cháu Lạc Hồng đã dày công bồi đắp nên truyền thống quý báu. Đó là lòng yêu nước thiết tha, tinh thần đùm bọc, gắn kết cộng đồng, ý chí quyết tâm giữ gìn cơ nghiệp tổ tiên và khát vọng hòa bình, quyết tâm xây dựng đất nước. Hướng đến kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết theo dòng sự kiện trọng đại này.
Bài 1: Việt Nam - dân tộc yêu hòa bình
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Có thể nói, thời đại Hùng Vương là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ cách đây hàng ngàn năm, tổ tiên chúng ta đã chung sức chung lòng, khai sơn phá thạch; mở lối, đắp nền; chiến thắng thiên tai, dã thú, bệnh tật, tạo dựng cơ nghiệp, thêu dệt nên giang sơn gấm vóc. Từ đời này qua đời khác, các vua Hùng đã dựng lên nhà nước Văn Lang đánh dấu bước phát triển lớn lao, có ý nghĩa đặc biệt của lịch sử Việt Nam, mở đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của dân tộc.
Ý thức độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và khát vọng hòa bình là một dòng chảy lớn, bao trùm xuyên suốt trong chiều dài lịch sử dân tộc. Trong ảnh: Tuổi trẻ Bình Dương trong chương trình chụp ảnh “Vạn trái tim Bình Dương hướng về biển đảo”. Ảnh: P.V
“Nam quốc sơn hà…”
Có thể khẳng định rằng, dòng máu Lạc Hồng, ý thức độc lập chủ quyền dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và khát vọng hòa bình đã trở thành một dòng chảy lớn, bao trùm, xuyên suốt qua các triều đại, các thời kỳ lịch sử dù dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với các thế lực ngoại xâm. Trong thời kỳ chống Bắc thuộc, đứng trước nguy cơ diệt vong, dân tộc Việt Nam kiên trì, một mặt ra sức bảo tồn văn hóa, tiếng nói, cốt cách dân tộc, đồng thời tiếp thu và Việt hóa những yếu tố tích cực làm nền tảng lâu dài, mặt khác liên tục khởi nghĩa vũ trang nhằm đánh đuổi quân xâm lược giành lại quyền tự chủ. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và qua các thế kỷ sau đó, ở khắp mọi miền đất nước nổra rất nhiều cuộc khởi nghĩa nổi bật như khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), Lý Bí (năm 542 - 548), Triệu Quang Phục (năm 548 - 571), Mai Thúc Loan (năm 722), Phùng Hưng (năm 766 - 791)… và Ngô Quyền với chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt ách đô hộ hơn 1.000 năm của các thế lực phong kiến phương Bắc.
Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam là một bản trường ca về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần bất khuất và bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền lãnh thổ thiêng thiêng. Vào thời nhà Lý, khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa, bên kia phòng tuyến sông Như Nguyệt đã vang lên 4 câu thơ trong bài “thơ thần” của Lý Thường Kiệt: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Nam quốc sơn hà là một áng thiên cổ hùng văn, được coi là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Bài thơ đặt ra 3 vấn đề cốt lõi, đầu tiên là nguyên tắc độc lập tự chủ của dân tộc được khẳng định một cách rõ rệt, tiếp đó là nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam và nguyên tắc về bổn phận thiêng liêng của người Việt là phải bảo vệ Tổ quốc, khẳng định ý chí quyết tâm giữ gìn cơ nghiệp của tổ tiên.
Ngược trở lại dòng lịch sử, mặc dù đất nước ta đã giành lại quyền tự chủ từ năm 938, sau trận đánh Bạch Đằng chói ngời lịch sử của Ngô Quyền. Thế nhưng, khi Đinh Bộ Lĩnh sáng lập ra triều Đinh với đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng, quốc hiệu là Đại Cồ Việt thì các triều đại phong kiến phương Bắc vẫn xem nước ta như là một quận của chúng nên chỉ công nhận Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ quận vương. Chính vì thế, khi khẳng định: Nam quốc sơn hà, Nam đế cư (Sông núi nước Nam, vua Nam ở), Nam quốc trong bài thơ được đặt vào thế ngang hàng đối sánh với Bắc quốc. Hơn thế nữa, chữ Nam quốc ấy không chỉ một lần được cất cao thúc giục quân dân nhà Lý đánh đuổi giặc Tống ra khỏi bờ cõi Đại Việt mà sau này nó còn vang lên thật kiêu hùng trong lời hịch của Quang Trung trước khi chuẩn bị xuất quân đại phá quân Thanh: Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ.
Như vậy, khi tướng quân Lý Thường Kiệt dùng từ Nam đế có ý nghĩa thật lớn lao. Ông cha ta muốn phủ định tư tưởng ngạo mạn rằng, dưới vòm trời này không chỉ có một hoàng đế ở phương Bắc. Nếu ở phương Bắc có Bắc đế thì ở phương Nam cũng có Nam đế. Vị thế nào khác gì nhau? Hơn thế nữa chúng ta nhận thấy, hàm ý sâu xa trong từ Nam đế không đơn thuần là chỉ để nâng tầm mà đây còn là tiền đề của luận đề chính nghĩa về nền độc lập của dân tộc: Đại Việt là một đất nước có chủ, có người đứng đầu. Vậy nên bài thơ đã biểu trưng cho tinh thần, cho sức mạnh nhân dân của đất nước, xác lập tự chủ từ phương diện con người.
Tắt muôn đời chiến tranh…
Nếu như dưới thời nhà Lý, trong Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt nêu ra định nghĩa về độc lập và khẳng định chủ quyền thì sang triều đại nhà Lê, Bình ngô đại cáo của đại thi hào Nguyễn Trãi là một bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc, là một bước phát triển mới về ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia và khát vọng hòa bình, tắt muôn đời chiến tranh. Trong bản tuyên ngôn này, Nguyễn Trãi đã hùng hồn: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương. Không chỉ khẳng định chủ quyền, Bình ngô đại cáo còn khẳng định sự độc lập về nền văn hiến lâu đời của dân tộc. Văn hiến của nước Nam là do nhân dân Việt Nam xây dựng, trải qua thăng trầm, sự tàn khốc và mất mát của chiến tranh mới có được. Vì là nước văn hiến lâu đời nên người tài giỏi của Đại Việt thời nào cũng có, giặc đến thời nào cũng nhất định sẽ chuốc lấy thất bại.
Đặc biệt, trong chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã luôn ứng xử hòa hiếu, khoan dung với các thế lực xâm lược. Việt Nam tuy đánh thắng nhưng bao giờ cũng xử sự rất văn minh, khoan hòa, hiếu sinh, chứ không gây thù oán, vẫn giữ quan hệ bang giao tốt. Điều này cũng đã được kết tinh trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo” hay “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chính vì thế nên: Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng/ Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài ngàn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run/ Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng và Bác Hồ đã xây dựng nên những quan niệm mới về ý thức độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như khẳng định khát vọng tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam với Bản Tuyên ngôn độc lập công bố với toàn thế giới vào ngày 2-9-1945. Thế hệ sau đã kế thừa và tiếp tục phát triển những điều mà cha ông hàng ngàn năm trước đã tạo dựng nên, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân, yêu thương nhân dân, đoàn kết nhân dân, cùng nhau siết chặt vòng tay thân ái. Đây chính là sức mạnh vô song, vũ khí lợi hại, giúp nhân dân Việt Nam vùng lên giành lại chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và sau đó tiếp tục làm nên những chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đại thắng mùa xuân 1975… cũng như nhưng thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay.
Bài 2: Ánh dương soi đường
THÀNH SƠN