Bài 9: Bình Dương - lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, bằng sự năng động, sáng tạo, Bình Dương đã tận dụng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế. Thành công mang tính đột phá của tỉnh đó là việc phát triển nhanh, hiệu quả các khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn. Đến nay, với 28 KCN được Chính phủ cấp phép xây dựng, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp năng động nhất của cả nước.
Những bước đi đầu tiên
Gần 20 năm trước, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương đã vận dụng đúng đắn chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Với quan điểm: công nghiệp là một khâu trung tâm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đã nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thủ tục hành chính và các chính sách ưu đãi về lao động, đất đai để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước… đã được tỉnh ưu tiên thực hiện. Nhiều KCN bắt đầu hình thành và thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư hoạt động hiệu quả.
Sau khi chia tách tỉnh (1997), Bình Dương đã có 7 KCN được Chính phủ cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.500 ha, trong đó KCN Việt Nam -Singapore (VSIP) không chỉ là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Singapore mà còn là KCN kiểu mẫu của cả nước.
Các dự án đầu tư vào các KCN đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành những khu đô thị mới. Nổi bật nhất đó là các KCN đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trương phát triển công nghiệp, trong đó có việc xây dựng các KCN tập trung đã thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư thông thoáng và không ngừng được cải thiện cũng như sự quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp đã làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước luôn an tâm khi quyết định đầu tư vào Bình Dương. Song song với việc xây dựng các KCN tập trung, tỉnh đã xác định: Thực hiện đa dạng hóa sản xuất công nghiệp; hình thành nhiều ngành công nghiệp trên cơ sở sử dụng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh; vừa tập trung phát triển công nghiệp chế biến vừa phát triển công nghiệp kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo, kỹ thuật điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ cung cấp nguyên liệu thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Trở thành trung tâm công nghiệp
Nhờ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên công nghiệp Bình Dương đã có những
bước phát triển nhanh chóng, vượt bậc, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh nhà. Sự tăng trưởng liên tục và nhanh chóng của công nghiệp cùng với việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp đã đưa Bình Dương từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển trở thành tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc hàng cao nhất nước; trở thành một trong những tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 KCN với tổng diện tích gần 10.000 ha. Việc hình thành nhiều KCN được đầu tư tốt về hạ tầng cùng những chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng, nhất là chủ trương “trải chiếu hoa đón các nhà đầu tư” đã giúp Bình Dương trở thành địa chỉ tin cậy, là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Đến nay, tỉnh đã thu hút gần 20.000 doanh nghiệp trong nước đến đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 146.000 tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục có những kết quả tích cực. Hiện tổng số dự án đầu tư nước ngoài ở Bình Dương là 2.546 dự án với tổng vốn đầu tư là 21,5 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương trở thành 1 trong 5 địa phương thu hút được trên 20 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đặt chân đến Bình Dương để tận dụng những lợi thế và khai thác tiềm năng của một địa phương năng động bậc nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn AEON, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation, Tập đoàn Dai Nippon Printing…
Từ một địa phương hoang tàn sau chiến tranh, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay Bình Dương đã trở thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả. Thành quả đạt được trong những năm qua là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp. Với việc vận dụng linh hoạt những chủ trương đổi mới của Đảng, Bình Dương đã khẳng định rõ năng lực và bản lĩnh của mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
Không bằng lòng với những kết quả đạt được cũng như tìm hướng đi mới để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn, những năm qua Bình Dương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Bên cạnh đó tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời cơ cấu lại các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu hướng vào thị trường các nước phát triển và khu vực. Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí, hóa chất…; công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị toàn tầu.
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2010-2015 tăng bình quân 15,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước chiếm 31%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 69%. Các sản phẩm chủ yếu là công nghiệp chế biến và xuất khẩu với các ngành mũi nhọn, như: Chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, hóa chất, cao su, plastic, điện - điện tử, chế biến gỗ, dệt may, da giày.
TRÍ DŨNG
Bài cuối: Tương lai của một thành phố trẻ